Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

Tạ lỗi với Thầy tôi

Tôi yêu thích và có thời gian học giỏi môn Văn, nhưng không còn nhớ rõ bắt đầu từ lúc nào.

Chỉ nhớ đến lớp tư thì bài chánh tả của tôi thường không còn lỗi, con số 10 bằng bút bi đỏ của cô tôi thường ở nơi góc trái tờ giấy đôi xé từ vở học trò. Nhiều con số 10 quá, nên thèm có những con số khác của các bạn, nào là 9 - 9,5, 8 - 8,5 - 7 v.v… Bèn tự mình sửa chữ của mình từ đúng ra sai để cho có lỗi, để có những con số điểm khác số 10. Trên đời này có đứa học trò nào ngu như tôi không vậy ?

Chỉ nhớ đến lớp đệ ngũ thì bài làm môn Văn của tôi luôn được điểm 20/20. Tôi có dạy môn Văn mấy năm ở trường Trần Công Ngọ, xã Linh Trung, Thủ Đức, nay là trường Tạ Uyên. Trừ bài tập trắc nghiệm ngữ pháp mới có thể có điểm tuyệt đối, các bài luận văn, làm sao mà thầy cô có thể cho điểm tuyệt đối như vậy được ?

Vậy mà thầy Trái Tim Hiền – thầy giáo dạy Văn lớp đệ ngũ của tôi đã cho tôi toàn điểm 20 như vậy. Được điểm tối đa thì có thể tự cho là mình giỏi môn Văn rồi. Năm sau, lớp đệ tứ, có lẽ được sao Khoa chiếu rọi, nên ngoài môn Văn tôi giỏi nhiều môn khác, được lãnh phần thưởng giỏi toàn trường, được quà của Tỉnh trưởng Sóc Trăng, một chiếc radio ấp chiến lược màu đỏ, với rất nhiều sách vở…

Nhỏ học trò đệ ngũ ấy, nó đen nhẻm, đi khập khiểng vì di chứng polyo, chăm học lắm. Điều đáng sợ nhất của nó không phải là đòn roi hay bất cứ thứ gì. Nó chỉ sợ nhất là con sâu đo và bị mấy dì (mẹ nuôi) dọa cho nghỉ học. Cho tới trước khi bị một trận thất tình nặng nề năm 30 tuổi, nó chưa hề hiểu rằng khuyết tật đó của mình chính là một mặc định về những bất hạnh trong đời.

Năm ấy, tôi là học trò cưng của thầy Trái Tim Hiền. Một tuần mấy lần, thầy đi bộ từ chỗ trọ ở chợ Sóc Trăng đến một xóm nhỏ đìu hiu – xóm Sở Thùng, còn gọi là xóm Sở Rác, vì là nơi đổ rác của thị trấn, cách khoảng 2 cây số, vào nhà tôi, trò chuyện với bà ngoại, rất lâu, chẳng biết nói chuyện gì vì ngoại có bao giờ kể lại. Tôi chỉ ra bưng nước mời, khoanh tay chào thầy rồi vào nhà sau, chẳng bao giờ nghe lóm.

Năm đệ tứ thì thầy Phước dạy Văn, nhưng thầy vẫn giữ thói quen đến nhà trò chuyện cùng bà ngoại. Có lẽ Sóc Trăng thuở đó không có nơi nào để vui chơi giải trí thư giãn sau giờ làm việc. Tôi còn nhớ câu thầy Phước chọc ghẹo thầy, vừa nói vừa cười, bằng câu thơ lẫy, tác giả câu thơ lúc đó tôi biết, nhưng bây giờ tôi quên rồi, dường như là trong Gia Huấn Ca : “ thấy người nghèo khó thì thương ; thấy người tàn tật thì lại càng thương hơn”. Không biết có phải là tôi hay không, nếu phải thì tôi cũng được thầy nhắc đến trong một truyện ngắn của thầy đăng ở đặc san Trường, với câu mô tả “ … bàn chân trái của em nhỏ xíu như bàn chân tôi lúc lên mười…”. Cái truyện ngắn ấy khi đó đọc tôi thấy khó hiểu như xem tranh trừu tượng vậy. Tôi cũng rất thương quí thầy Trái Tim Hiền, với tấm lòng của cô trò nhỏ, cảm nhận tình thương thầy dành cho mình, vì mình học giỏi môn của thầy, vì thầy kỳ vọng ở mình một điều gì đó …

Năm tôi lên đệ tam thì thầy đi lính theo lệnh tổng động viên gì đó không để ý. Ngày thầy ra đi tôi không được biết. Đến lúc lên Sài gòn học, mới gặp lại thầy, khoảng năm 1973.

Lúc đó tôi từ trường Trần Công Ngọ đi xe đò Thủ Đức-Sài gòn về học tiếp mấy chứng chỉ cuối ở Văn Khoa, khi qua cầu Phan Thanh Giản vừa xuống xe để đi bộ đến trường thì một chiếc xe đò khác đậu lại. Và ai bước xuống vậy kìa, là thầy Trái Tim Hiền ! Thầy cũng từ nhà mình ở Thủ Đức về nhà ba má thầy ở Phạm Ngũ Lão, nhưng vì thấy tôi đứng dưới đường nên thầy xuống để gọi tôi. Sáu bảy năm mới gặp lại nhau, thầy trò mừng rỡ. Thầy gọi một chiếc taxi, bảo tài xế không đến đâu cả cứ chạy trên đường, có lẽ để có chỗ ngồi mát mẻ mà hỏi thăm tôi về những chuyện của 7 năm qua. Mục đích thầy là tra vấn tôi rằng, đã học giỏi văn như vậy, đã làm thơ viết báo tường ở trường xưa được thầy cô khen như vậy, đã học Văn Khoa như vậy mà tại sao tôi không viết được văn ? Hihihi, tôi thật bất ngờ với một kỳ vọng đặc biệt như vậy. Tôi chỉ mới làm vài bài thơ lẻ, lúc nửa đêm thức dậy, năm đệ tứ viết bài thơ “Tình thầm” tặng cô bạn Lệ Hoa đơn phương yêu thầy Nhiếp đẹp trai dạy Lý Hóa ; rồi bài “Dưới trăng khuya” khi ngắm bạn Hoa Nhụy đi bộ trong ánh trăng đêm ; vài bài văn, thơ nho nhỏ theo yêu cầu áp lực của Hội Nữ SVVK. Chẳng bao giờ tôi mơ thành văn sĩ cả. Áp lực của thầy đặt ra cho tôi thật bất ngờ và cũng lạ.

Nhưng rồi tôi viết cũng được, theo nhận xét của thầy và các bạn của thầy, là nhà văn Lữ Phương, và ai một người nữa tôi không nhớ tên. Hai người này chịu chọn bài của tôi đăng trên báo Tin Văn, nguyệt san hay tuần san tôi cũng không còn nhớ, liền mấy bài, với lời bạt đọc thấy vui đến nức lòng : “… Quế Thanh sẽ đi xa hơn.” ; với những buổi tiệc đứng tôi được tòa báo mời đến dự cùng thầy ; với những lời khen tặng làm thầy ganh tị, mới đây thầy hãy còn nhắc : tụi nó khen con Quế học trò, mà thầy con Quế ngồi kế bên tụi nó hông khen, có tức không chớ ?

Sau 1975, tôi tự làm tôi mất dạy, chuyển nghề. Mấy tháng sau khi bỏ nghề dạy học, trong giấc mơ tôi vẫn còn thấy học trò tôi, gái thì áo dài trắng, trai thì sơ mi trắng quần xanh dương, và thức dậy rất buồn nhớ các em.

Làm nghề khác, tôi tịt mít không viết văn được nữa, thật là buồn như rụng mất bàn tay. Tôi giải thích với thầy khi gặp lại : không biết sao em bị tắt mạch thầy à!

Thầy Trái Tim Hiền được tiếp tục nghề dạy Văn ở Trường Thủ Khoa Huân, Thủ Đức. Nhưng không thích nghi được với môi trường mới, không bao lâu thầy cũng bỏ nghề về làm vườn –vườn dừa quê vợ, ở Mỏ Cày, Bến Tre. Thầy trò mất liên lạc với nhau từ đó.

Không biết nhờ đâu, thầy tìm gặp tôi khi tôi đã nghỉ hưu rồi, lúc ấy tôi quản lý căn tin của công ty Lê Quang Lộc (tên anh xã chị Huỳnh Quan Thư đó). Tôi thấy rõ nét thất vọng trên gương mặt của thầy và thầy Tòng đi cùng, dường như nghĩ rằng : tưởng đâu con nhỏ này là nhà văn Quế Thanh, ai dè nó đi bán cơm !!! Tôi đãi hai thầy một bữa cơm trưa với những món ngon nhất của căn tin ngày hôm ấy, vừa cảm nhận và yêu quí sự thất vọng của thầy, vừa nổi tức trong lòng, việc gì tôi phải sống theo làm theo kỳ vọng của người khác hả ? Và dù có hứa sẽ đến nhà thăm thầy, nhưng sau đó tôi xù luôn, không đến nữa không gặp nữa. Thật là phức tạp, tôi không hiểu vì sao tôi lại có thái độ xấu, vô ơn đến như vậy được. Tôi vừa tự trách, nhưng cũng vừa không muốn sửa lỗi. Họp mặt Trường cuối năm tôi không dự, không gọi điện, không đến thăm, không muốn gặp ai cả. Có lẽ vì không chịu nổi sự thất vọng của người thầy đã từng có một mong muốn tốt đẹp về mình?

Cách đây một tháng, thầy Nhiếp chở thầy Trái Tim Hiền tìm đến nhà tôi, mời tôi dự đám cưới đứa con út của  thầy Trái Tim Hiền, tôi nhận thiệp, hứa dự nhưng sau đó không dự, nhắn tin cho thầy trước giờ khai tiệc 15 phút : em bị cảm. Trời phạt tôi liền, ngay sau đó tôi cảm thật. Tôi chấp nhận bị phạt, vì biết rằng trước đám cưới thầy đã gọi điện cho nhiều người, kể cả học trò cũ của tôi, dặn họ : đến dự đám cưới nhe, để gặp cô Quế hén.

Vì sao vậy, tôi hỏi lòng mình sao xử sự quá tệ như vậy nhỉ? với một người thầy luôn quá tốt với tôi, mà tôi chưa trả lời thỏa đáng được.

 

 

 

Tôi viết entry này, như một câu tự trách mắng mình, một câu tạ lỗi với thầy, dù biết rằng thầy sẽ không đọc được – thầy đã 82 tuổi rồi, mắt bị cận nặng từ khi còn trẻ, nay không thể có thú vui lên net.

Bây giờ là cuối tháng 10. Ngày 20/11, ngày “Ơn thầy cô” đang dần đến. Từ nay đến đó, tôi có làm được điều gì vui cho người Thầy tốt nhất của tôi không?

18 nhận xét:

  1. Dạ có rồi, entry này, viết mộc, không trau chuốt câu chữ, nhưng nó vẫn gợi rưng rưng. Rưng rưng vì cái tình Thầy dành cho Trò ngày trước, rưng rưng vì cái Đạo trò muốn mang trong dâu bể hôm nay. Thầy kỳ vọng nơi Trò vì biết khả năng của trò, Trò muốn theo kỳ vọng đó nhưng cuộc sống quá đa đoan không cho phép... mọi lý do thì đều là biện minh, em biết "người trò xưa" sẽ nói vậy. Nhưng làm học trò mà còn biết ray rứt vì "vô ơn với Thầy Cô" thì nghĩa là Đạo Học chưa tuyệt Chị à...
    Em cũng là một đứa học trò đang nhìn lại mình đây Chị, khi hôm nay, trong Đạo Học có những hành xử không hay...
    Cảm ơn entry này của Chị, rất cảm ơn thiệt tự lòng em...

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn chia sẻ, mà cũng là an ủi của M dành cho chị. M yêu quí, cứ đọc còm của em là thấy buồn giảm đi nhiều đó.
    (Hỏi nhỏ nè, bánh trái sinh nhật đã hết ngán chưa, để mà nếm thử bánh tét chuối?)

    Trả lờiXóa
  3. Hic, Chị ơi, chị hỏi vậy là "mần khó" cho em... vì em có một khả năng...ăn vô tận Chị à...
    Bravo bánh tét chuối... hihi!

    Trả lờiXóa
  4. Trong con tình cảm thầy, trò rất thiêng liêng và giản đơn. Con không nhận được nhiều kì vọng nên con sống bình thường. Đôi khi con nghĩ "nghề chọn mình" chứ "mình không chọn nghề". Con rất thích làm giáo viên. Thích từ hồi đi mẫu giáo cho đến THPT. Thế mà cuối cùng con chẳng làm nghề giáo...Con không thể nào hiểu một cách sâu sắc và đầy đủ những điều Cô đã viết. Nhưng con cảm nhận sự yêu kính mà cô dành cho người Thầy; Có khi, vì nhiều nguyên nhân ta không thích đến quá gần một người. Nhưng ta vẫn rất yêu kính họ. Con nghĩ là Thầy mừng khi biết Cô sống khỏe và vui.

    Trả lờiXóa
  5. Con hiểu đấy. Và cô cảm ơn chia sẻ của con.

    Trả lờiXóa
  6. Cô cũng nghĩ vậy. Nghề cô yêu nhất là nghề giáo, cô không được làm. Người cô yêu nhất, cô không được gần.

    Trả lờiXóa
  7. Chị ạ ...em cũng là người hãy dõi theo bước đi của học trò mình _ nhất là những đứa có năng khiếu _ và cũng đôi lần tiếc vì chúng không thành đạt theo cách mình nghĩ ...nhưng rồi mãi mãi những cô cậu học trò ấy luôn là một gợi nhớ về một lớp, một phần đời tốt đẹp của mình _ Em tin là thầy cũng thế ...và chị sẽ luôn là hình ảnh trong sáng mà thầy có trong quãng đời làm nghề của mình ...

    Lời ta lỗi với thầy cô là lời nói cần thiết dù cho có muộn . Có khi nó chỉ là cách để mình an lòng ..có khi là cách mình gõ vào tấm lòng của bao người trẻ bây giờ đã không biết trọng thầy ngay khicòn đang học thầy ..

    Em có bài thơ viết tặng một thầy dạy cũ _ người thầy tiểu học ...mà em biết cũng chẳng bao giờ thầy đọc được . ...Em sẽ gửi ở đây củng chia sẻ với chị nghen

    Trả lờiXóa
  8. THÁNG 11 _ NHỚ THẦY DẠY CŨ

    Tháng 11
    Con chim sẻ nhảy ở sân trường
    Lũ trẻ nhảy ở hành lang lớp học
    Nỗi nhớ nhảy ở những tờ lịch mỏng
    Và ở giữa bài vừa giảng sáng hôm nay
    Tháng 11 – vẫn rực niềm mê say
    Vẫn có những cảm xúc giật mình giữa bài giáo án.
    Con vừa giảng lại bài thầy đã giảng .
    Có chút nhớ nào trong bài học ngày xưa


    Bài học có tiếng võng đưa
    Có vầng trăng thu mỏng
    Có cánh diều chao nghiêng gọi nắng
    Có dòng sông xao xác dáng mẹ gầy
    Có chú dế ngủ say
    Giữa đồng hoa trắng nở
    Những bài học… bỗng thành hoa rực rỡ
    Giữa lòng bao trò nhỏ thầy ơi !
    Chúng con bước vào đời..
    Mang theo lời thầy dạy
    Bạn bè con…có đứa không trở lại
    Đứa vào đời vấp váp , bôn ba
    Vẫn nhớ bài học hoa
    Nhớ ngôi trường năm cũ
    Ngôi trường nép bên cánh rừng lộng gió
    Tuổi thơ con … chạy dọc những con đường .


    Tháng 11
    Con chim sẻ nhảy ở sân trường
    Lũ trẻ nhảy ở hành lang lớp học
    Nỗi nhớ nhảy ở những tờ lịch mỏng
    Và ở giữa lòng bài học cũ thầy ơi !!!


    (Kính tặng thầy Phạm Văn Hòe và bạn bè ở ngôi trường tiểu học ngày xưa)

    Trả lờiXóa
  9. Cảm ơn chia sẻ của Gió. Chị sẽ làm như vậy.

    Trả lờiXóa
  10. Em tặng bài thơ này cho GNVK vào chủ đề tháng 11 nhé. Bài thơ rất hay. Chị xin em và sẽ nói lại với TBT của chị. Biết đâu có ai đó quen biết với thầy đọc được, và bài thơ sẽ đem đến niềm vui cho thầy.

    Trả lờiXóa
  11. Vâng , em cũng dự định sẽ xin post bài này ở nguoivankhoa sát ngày 20.11 vì đa số nguoivankhoa đều là ... thầy cô giáo , chị nhỉ ?

    Trả lờiXóa
  12. Cám ơn em, vậy hay rồi.
    Gần đến ngày 20/11, chị sẽ đến thăm và nói lời cần nói với thầy của chị. Chắc lúc đó có thể viết thêm được.

    Trả lờiXóa
  13. Chèn ui! Một cái entry vậy mà im im không khoe trước cho nguoivankhoa mừng hen. Nguoivankhoa cũng lấy về nhà VK nghen chị!

    Trả lờiXóa
  14. Em đọc hồi trưa, lúc nằm vẩn vơ không ngủ được, và nghĩ sao mà chị nói đúng y tâm trạng em nhiều lúc: "Tôi vừa tự trách, nhưng cũng vừa không muốn sửa lỗi". Cái cảm giác ấy nó làm mình khó chịu và khổ sở, chị à.
    "Chị sẽ đến thăm và nói lời cần nói với thầy của chị", em hình dung thời khắc ấy và thấy rưng rưng.

    Trả lờiXóa
  15. Có mà, reply mail của BBT về chương trình tháng 10 và 11 có nói là có thểcó bài về thầy cũ

    Trả lờiXóa
  16. Chị ơi, có những nỗi ray rứt cả đời không nguôi, có những nỗi niềm, chính mình cũng không hiểu được mình.
    Chia sẻ cùng chị một entry chân thật đến mức..."trần trụi" nhưng vẫn làm người đọc xao lòng!

    Trả lờiXóa
  17. Ngày 18/11/2011, tôi đã mang quà đến nhà thầy để tặng. Thầy thích văn thơ của Bùi Giáng, tôi đã tìm trên net và in ra để gửi cho thầy. Nhưng do tôi ko hẹn trước, nên thầy vắng nhà tôi ko đc gặp.

    Trả lờiXóa
  18. Thầy sẽ rất vui khi nhận quà của chị đó.

    Trả lờiXóa