Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Văn Khoa của tôi

Ngày ấy,

 

Là đường đi học bằng xe lam từ bên kia cầu chữ Y, khi tôi còn ở nhà dì Bảy, qua Trần Hưng Đạo, xuống bến xe ở chợ Bến Thành, đi bộ đến Lê Thánh Tôn, qua Nguyễn Trung Ngạn, rồi Cường Để. Là Sài gòn những buổi sáng sớm, đường vắng, người, xe thưa thớt.

Là căn gác gỗ bên kia sông Thị Nghè, lúc tôi được Kim Liên rủ về ở cùng. Nơi đó, mấy nữ sinh viên cùng có cuộc sống chung vui vẻ : Kim Liên, Chín, Hoa Nhụy, Thu Nhân, Quế. Thỉnh thoảng, có bóng dáng của vài nam sinh viên, là Nghi Em, Hội, Vương huynh …. Có bạn Hồng Nga ở căn gác nhà đối diện. Lối vào nhà là con hẻm nhỏ, ở đó, có một đêm, dưới trăng khuya, bạn Hoa Nhụy khoác lên người chiếc áo blouse trắng của người yêu bên Đại học Y khoa, đi qua lại hoài dưới trăng, làm tôi xúc cảm viết nên bài thơ “Dưới trăng khuya”, chép vào tập tặng Thu Nhân, được Thu Nhân yêu thích, cất giữ suốt 40 năm, còn tôi thì quên mất.

Là cần xé bánh mì gà, của bạn Kim Liên bày ra, có lẽ học theo mùi vị của bánh mì gà Ba Lẹ đường Trần Hưng Đạo. Mấy chị em cùng nhau làm để lấy tiền đi chợ mua thức ăn chung. Sáng sớm bạn thì ra balcon (hình như là Kim Liên) thả dây kéo lên một cần xé bánh mì con cóc do một cậu nhỏ đi giao. Bạn thì quậy sốt mayonnaise xàn xạt xàn xạt (hình như là bạn Quế). Các bạn khác, Hoa Nhụy, Chín, Thu Nhân thì mổ bánh mì, cho vào các loại rau, ớt, thịt gà, nước sốt, nước tương, bao gói, xếp trở lại vào cần xé. Làm xong là vừa đến giờ đi học. Các bạn đi bộ, qua cầu Thị Nghè một đoạn là đã tới trường. Cái cần xé và Quế ưu tiên được bạn Kim Liên chở, vào trường giao bánh mì cho Hội quán. Tôi đã quên rất nhiều thứ, nhưng vẫn còn nhớ mãi chiếc xe mobilette cũ màu xanh biển của Kim Liên. Chúng tôi làm bánh mì bán nhưng dấu kín không để nhà chủ biết, dường như lúc đó chúng tôi sợ bị khinh là sinh viên nghèo. Nghe tiếng đánh sốt xàn xạt vào đúng 5 giờ mỗi sáng, gặp chúng tôi, mấy cậu con trai của chủ nhà hỏi : các chị đọc kinh gỏ mõ hả ? Chúng tôi cười : Ừ.  

Là những cuộc biểu tình sôi nổi mà chúng tôi sát cánh cùng nhau. Những đêm văn nghệ sinh viên rực lửa. Những khuôn mặt ấy tôi còn nhớ mãi, nhóm bạn mà tôi gần gũi nhất, ngoài mấy bạn ở cùng gác gỗ Thị Nghè, còn có Nghi Em, Tú Lộc, Thúy Liễu, có Hội, Ánh, Ảnh, Xẹt (lúc đó tôi hay cười thầm : nhóm này quá rực rỡ vì tên người toàn là ánh sáng).

          Là tiếng hát trong nhà giam, điểm tựa cho nhau của chúng tôi khi mới bị bắt vào. Lúc đó, tôi cũng hay hát, và cố gắng hát khi có thể, vì biết rằng, các bạn mới bị bắt vào, nghe tiếng hát quen, bài hát quen, tinh thần sẽ vững. Đó là tiếng hát mà Cỏ May đã nghe, đã yên lòng, vì dù phải tỏ ra là những người Văn khoa xa lạ, chúng ta vẫn tựa vào nhau để đứng vững bằng những câu hát ấy. 

 

Bây giờ,

          Tôi nhớ về Văn Khoa, là nhớ về tuổi trẻ của tôi, thời kỳ đẹp nhất của cuộc đời mỗi chúng tôi. Chúng tôi đã sống hết lòng với nhau, khi học tập và trong đấu tranh, thật trong trẻo, có người so sánh : “như pha lê”.

Chúng tôi đã già, sau mấy mươi năm làm việc, sau những được mất của một đời người. Không ít bạn đã qua đời, trong nỗi tiếc nhớ của bạn bè. Có bạn đề huề hạnh phúc cùng gia đình, con, cháu. Có bạn đơn độc giữa đời. Có bạn thuận lợi, khá giả, có bạn khó khăn, vất vả mưu sinh. Có nhiều bạn luôn tìm cách gặp gỡ, gắn bó, giúp đỡ nhau. Có bạn ít khi gần gũi. Nhưng có lẽ chúng tôi có chung ý tưởng mong muốn gặp lại nhau, nương tựa nhau về tinh thần trong những ngày còn lại của đời mình. Với nhau, chúng tôi cũng sẽ hết lòng, cũng sẽ trong trẻo như xưa vậy.

Bây giờ, chúng tôi đã trọn vui chưa ? có lẽ không thể có câu trả lời giống nhau ở mỗi chúng tôi, khi nói về cuộc đời riêng, hay xã hội chung.

Đối với tôi, cuộc sống, đất nước, còn quá nhiều chuyện không vui. Làm sao mà vui trọn được.

33 nhận xét:

  1. Chị,
    Chị làm em rưng rưng nhớ lại ngày xưa ấy.
    Thời gian em ở căn gác nhỏ ấy không dài, em nhớ là ngắn, rất ngắn. Nhưng những gì chị nhắc, chợt hiện về rõ mồn một, cứ như không có mấy mươi năm với bao đâu bể trôi qua...
    Em vẫn nhớ cái hiên gỗ gió lộng ấy, nụ cười và nước mắt ở đấy nhiều lắm...
    Em vẫn nhớ ngày ấy, dòng kênh Thị Nghè nước rất trong, mình vẫn hay ngồi xem cá lòng tong kéo từng đàn...
    Em vẫn nhớ đêm Văn nghệ cuối năm, tụi mình đã len lỏi ra về trong mịt mù vây ráp của bọn cảnh sát, nhớ chuyện đổi áo cho Vương huynh thoát khỏi vòng vây...
    Và bây giờ, em rất vui vì chúng ta, tuy không còn đầy đủ nhưng vẫn còn có nhiều cơ hội để gặp gỡ nhau sau bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống...
    Mong tình thân thương ngày cũ cứ mãi được vun bồi
    "Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ" hén chị.

    Trả lờiXóa
  2. Chị cũng rưng rưng nhớ ...

    Gặp lại nhau thế này, trước hết là công đức của nhóm : em, CM, GM, XH ... Rồi Gió, Nguoigiaonline ... Xin hồi hướng công đức này của quí vị ... Hí hí hí.

    Trả lờiXóa
  3. Con thấy mình nhớ về những ngày khó khăn nhiều hơn là lúc con được đầy đủ. Nên mẹ con vẫn trêu con là...bà cụ lo xa. Nhưng những năm tháng khó khăn giúp con trưởng thành hơn và con thấy chúng thật đẹp. Giờ có nhiều thứ nhưng đôi lúc con thấy mình trống rỗng Cô à. Cô viết cũng hay như Cô Giáo của con vậy. Con lại biết thêm nhiều điều về...ngày xưa - lúc con chưa sinh ra đời. :)

    Trả lờiXóa
  4. Là mẹ khen con, tự hào về con đấy. Giống như cô đọc văn của con mà hình dung về con : chín chắn, già dặn (già trí tuệ, chứ ko già nhan sắc nha con).

    Trả lờiXóa
  5. :) Dạ. Con chúc Cô ngon giấc nha.

    Trả lờiXóa
  6. Ơ, con bé này đã chạy sang đây rồi đó a?
    Thế mà nó hứa với mình là nó ngủ sớm đấy!
    Chị ơi, đét vào mông nó một roi dùm em đi chị.
    Còn em cũng đi ngủ đây, và mơ về căn gác trọ ngày xưa của mấy chị em mình.

    Trả lờiXóa
  7. Con đường từ Ngã tư Cường Để _ Đinh Tiên Hoàng _ Hồng Thập Tự qua cầu Thị Nghè cũng là con đường quen của em thời học đấy chị ..Năm Đệ Ngũ , Đệ Tứ , và sau này Đệ Nhất em học ở nhà thờ Thị Nghè mà ...
    Chị vẽ lại hành trình đã qua ...một con đường không thiếu cả gập ghềnh lẩn hạnh phúc nhưng trên hết là trái tim hừng hực yêu đời , yêu cuộc sống , yêu tổ quốc của những người tuổi trẻ thời ấy ...

    Những người trong trẻo thuở nào bây giờ cũng vẫn trong trẻo biết bao khi rất trăn trở bảo rằng : "Bây giờ, chúng tôi đã trọn vui chưa ? có lẽ không thể có câu trả lời giống nhau ở mỗi chúng tôi, khi nói về cuộc đời riêng, hay xã hội chung.
    Đối với tôi, cuộc sống, đất nước, còn quá nhiều chuyện không vui. Làm sao mà vui trọn được."

    Cám ơn chị nhiều lắm ..chị ạ

    Trả lờiXóa
  8. Cảm ơn em, chia sẻ này, rất là thấu hiểu ...

    Trả lờiXóa
  9. Hơ hơ...Vì hôm qua là tối thứ bảy mà Cô. Nên con thức khuya chút xíu.

    Trả lờiXóa
  10. Thức khuya vừa đủ để còn khỏe là được con há. Ngủ nhiều quá, coi như giảm đi thời gian sống.

    Trả lờiXóa
  11. Quế làm tôi nhớ mấy câu thơ làm lúc mới lên lớp đệ nhị

    SỚM MAI THỨC DẬY
    THÈM NGHE 1 TIẾNG RAO
    GÁNH HÀNG CHỊ QUA NẶNG TRĨU
    RỘN RỊP XÓM NGHÈO CUỘC SỐNG SINH SÔI
    ..................
    GÁC TRỌ BƠ VƠ LẠC HƯỚNG ĐỜI

    CƠN MƯA CHIỀU CHỢT ĐẾN
    LẶNG NHÌN NHỮNG GIỌT TRỜI
    HAY NHỮNG HẠT CƠM RƠI
    CÓ LÚC NHỌC NHẰN CÁT BỤI
    TRA!I TIM MỆT MÕI TƠI BỜI.

    Thế hệ chúng ta không phải già trước tuổi mà là qúa già trước tuổi !!!

    Trả lờiXóa
  12. Căn gác trọ ấy em chưa ghé đến, nhưng có nhìn qua vì một lần khi đến gác trọ Hồng Nga trả cái áo dài em đựơc cho muợn để thay vì mặc áo dài vàng trong liên danh toàn nữ SV ra ứng cử BCH để chia lửa với liên danh chính thức của anh Hạ Đình Nguyên. Sau khi bầu cử xong, BCH mà anh Hạ Đình Nguyên là Chủ tịch đắc cử, công an bao kín cổng trường, em được kêu thay áo, nhưng trong cặp em chỉ có... áo sơ mi nam ( ăn cắp của ba em mang theo để... anh VK nào của mình cần thì thay), nên Hồng Nga còn dư một cái áo dài hồng phấn mang cho em mượn.
    Chuyện nọ xọ chuyện kia, nhắc chuyện này nhớ chuyện khác, người già mà...

    Trả lờiXóa
  13. Hi hi, bà chị im im lâu lâu cho ra cái entry rung rinh trái tim bao nhiêu người VK cũ he.

    Trả lờiXóa
  14. Câu thơ này hay quá anh Cả ơi nhưng lúc đó tụi em có anh chị Cả dẫn dắt rồi coi như hong có lạc đường. Cái cần xé bánh mì đó lo được tiền thuê nhà và nuôi được ba bữa cơm chay cho 5 đứa, còn tiền mua sách vở và tiêu vặt thì tự lo, em cứ nhớ hoài ko quên được.
    "Thế hệ chúng ta không phải già trước tuổi mà là qúa già trước tuổi !!!", anh Cả ơi ko chỉ già mà còn vừa già vừa buồn nữa.

    Trả lờiXóa
  15. Chuyện nọ + chuyện kia + chuyện này + chuyện khác = 4 chuyện.
    Vậy là GM sẽ có 4 entries hén !

    Trả lờiXóa
  16. Chị ơi, em mạn phép sang nhà... và làm quen... em chỉ là kẻ hậu bội còn rất xa mới hiểu quãng thời gian các Chị đã sống qua trong chiến tranh, nhưng vì là một đứa rất mê Sử, nên bao giờ cũng hay dõi theo những câu chuyện mà Sử liệu không ghi... những bài viết trên blog các chị Văn Khoa là một trong các bài mà em say mê theo dõi...
    Và em cũng mạn phép nghĩ rằng: Các Chị nên trọn vui, bởi vì các chị đã sống trọn vẹn tuổi trẻ của mình, trọn vẹn con đường mình chọn theo lý tưởng... và khi mình đã thanh thỏa với chính mình theo em là đã "trọn vui"... còn cuộc sống, còn đất nước còn nhiều chuyện không vui, thực ra nó ngoài tầm tay với của chúng ta... em cho rằng những người làm cho cuộc sống không vui, đất nước không vui, họ chắc cũng khó thể tự vui như chị em mình...
    Chị cho phép em dài lời hén Chị...
    Em mong được Chị cho phép làm quen...

    Trả lờiXóa
  17. Chị rất cảm động với chia sẻ của em, thật hạnh phúc khi được biết Góc nhỏ Văn khoa được bạn bè yêu thích. Cảm ơn những lời an ủi thật dễ thương của em dành cho chị. Và rất vui được làm quen với em.

    Trả lờiXóa
  18. Chị ơi, cảm ơn Chị cho em làm quen... em không biết an ủi đâu Chị, em nói đúng những gì mình nghĩ thôi... tuy em là dân Bu San ( chín nút) nhưng em bạt mạng đúng như một đứa giang hồ Sài Gòn... hehe! Vì thế, em chỉ sợ lúc nào đó, mình sẽ hư đi... nên có các Chị gìn giữ em, thì em ...mừng lắm... mẹ em chắc mừng hơn...

    Trả lờiXóa
  19. Em thiệt là quá...sai lầm khi bây giờ mới đọc entry này của chị. Nghe TN nói nhưng em không thấy ở blog nguoivankhoa rồi không có thời gian hỏi lại.
    Chị cho em "théc méc" một chút: vì sao entry này chưa được về nhà VK hả chị?
    Chị có biết là em sẽ vui lắm khi biết có nhiều người đồng hành không?
    Em tuyên bố tạm xa blog đó, vì nói một mình, đơn độc lắm chị ơi!
    Ngày mai, gặp chị, em sẽ "hỏi tội", và em sẽ đưa entry về nhà vì nó dễ thương, nó có "lửa" và làm cho nhiều người ấm lòng. Dù gì em cũng ...dưới quyền của TBT nha chị, may quá, ngày mai, TBT đi vắng rồi! Hi...hi...

    Trả lờiXóa
  20. Ôi, run quá, mong cho mau tới chiều mai.
    Em muốn đưa về nhà VK thì tùy, nhg hình như TBT để dành khi "giáp hạt".

    Trả lờiXóa
  21. Nhớ nhen, tui còn ở đây nè! Hehehe...

    Trả lờiXóa
  22. Miếng khi đói bằng gói khi no!
    Em cảm ơn chị vì lời này. Chị cũng "hỏi tội" Cỏ May dùm em đi chị. Hí hí hí....

    Trả lờiXóa
  23. Em hiểu rồi, vậy mà nàng TBT lại nói với em là còm này của em làm nàng mất ngủ, ân hận quá chị à!
    Chị đến tụi em nhé, có món đặc biệt đãi chị, em hứa không "hỏi tội" chị nữ đâu nha!

    Trả lờiXóa
  24. Nhớ là...hạnh phúc, xin chúc mừng!

    Trả lờiXóa
  25. Tuyệt quá Gió ơi. Cảm ơn em thật là nhiềuuuuuuuu ....

    Trả lờiXóa
  26. Mai em ghi cách post vào mục video ...Chị mở thêm mục này , thích clip nào mang về nghe đỡ buồn chị ạ

    Trả lờiXóa
  27. Chị,
    Mở đầu chùm bài Tháng Chín và những ngôi trường của Góc nhỏ VănKhoa bằng entry này thì tuyệt nhất.
    Chị nhé.

    Trả lờiXóa
  28. Tùy em, nhg mà mọi người đọc xg rùi, đăng lại có kỳ hong ?

    Trả lờiXóa
  29. Dạ không hề đâu chị,
    Cảm xúc mỗi lần đọc mỗi khác, nó gắn với tâm trạng mình lúc đó và có khi là những liên tưởng nữa.
    Rất gợi, chị à.

    Trả lờiXóa
  30. Hình như có lần chị Thư viết,chị thích câu cuối của bài này.Tuổi thanh niên của mình quá đẹp,nhưng không hề vô tư lự trước thân phận con người.Từng tuổi này hãy dành nhiều tình cảm cho nhau,chia sẽ nhau những gì có thể.
    -Xuân đang tới nghĩa là xuân sẽ qua
    -Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
    Mà ta thì G I À rồi...

    Trả lờiXóa