Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Mẹ và con

Tôi lập gia đình muộn, lúc đã nhiều tuổi cũng không có nhiều cơ hội để dễ dàng có được đứa con. Phải thuốc men, đi lại biết bao nhiêu lần ở khoa điều trị vô sinh, ở bệnh viện T, ở phòng mạch tư của một vài bác sĩ. Phải chịu sẩy đôi lần. Nhưng tất cả những chuyện ấy đều không có ý nghĩa gì so với niềm hạnh phúc được làm mẹ mà tôi luôn ước , khao khát.

 

Con ra đời, với nụ cười của bác sĩ T. Đ., còn vui hơn mẹ: “ Đó, con là cái trứng cuối cùng của mẹ con đó”.

Vậy là, cuối cùng, mẹ đã có con, là điều tốt đẹp nhất trong đời mẹ, và cũng là điều kỳ diệu nữa. Con lớn lên, khoẻ mạnh, suốt 12 tháng đầu đời không tốn viên thuốc nào. Con chỉ đau ốm khi bắt đầu đi trẻ, xa mẹ.

Tên con là Thảo Nguyên. Vì ngôi nhà nhỏ màu trắng của gia đình chúng ta ở giữa cánh đồng rộng mênh mông trồng hoa lài, thơm ngát và xanh ngắt như đồng cỏ, làm mẹ nghĩ đến bộ phim “Ngôi nhà nhỏ trong thảo nguyên”. Vì mong ước khi lớn lên, con là đứa con hiền thảo.

 

Nhà chúng ta đơn chiếc, ba và mẹ đi làm, vừa công tác chuyên môn, vừa làm phong trào, đoàn thể, lại còn đi học thêm, thường hay về trễ, thường đi công tác xa nhà. Cuối buổi học, con được cô giáo, cô bảo mẫu tha về nhà cô, đợi ba mẹ đến đón, có khi đến 9, 10 giờ khuya. Những mùa nghỉ hè, con ở với bà ngoại Bảy khi ngoại còn sống. Ngoại không còn, khi thì con ở nhà cô bảo mẫu, rồi ở nhà ngoại Thu, khi thì mẹ gởi con mỗi mùa một nơi ở Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang … Mỗi lúc con về con kể rằng đã thương nhớ mẹ, đã lén khóc mà không để ai nhìn thấy, khi mỗi đêm vào giường ngủ. Con nói với mẹ “mẹ ơi sao nhà mình không giống nhà người ta hả mẹ?” ; “không giống chỗ nào con?” ; “chỗ con không được ở nhà của mình, cứ phải ở nhà của người khác”.

Vì vậy, khi sắp nghỉ hưu, mẹ nhất quyết yêu cầu được nghỉ trước 3 tháng để ở nhà với con, là những tháng con nghỉ hè. Mẹ dự tính thiết kế một mùa hè đầu tiên của mẹ và con bên cạnh nhau, để con được ở nhà của mình, đi chơi cùng với mẹ.

Nhưng con lại phải đi An Giang ở nhà dì sáu, vì mẹ phải vào bệnh viện suốt mấy tháng hè, với hồ sơ bệnh án là ung thư gan. Đối diện với cái chết thật gần, điều mẹ nghĩ trước tiên là con của mẹ. Con còn bé quá, mới mười tuổi đầu, con sẽ sống  ra sao khi không còn có mẹ?

Không được vào thăm mẹ, lại bị dì sáu dấu, nói rằng mẹ đi công tác xa, về sau con kể lại rằng con cố rình nghe lén dì sáu nói chuyện qua điện thoại, biết rằng mẹ bị đau gan, chuẩn bị mổ, con gọi điện cho mẹ, khóc nói rằng “mẹ nói với bác sĩ mổ cho mẹ là con sẽ cho mẹ nửa lá gan của con”.

Khi đã chắc chắn là mẹ chỉ bị u lành, u mạch máu trong gan, nhưng khá lớn, phải theo dõi định kỳ, mẹ bình tâm lại, an ủi con “mẹ sẽ sống hoài với con mà !”. Con lấy số 100 trừ đi tuổi mẹ để tính xem mẹ còn sống được bao nhiêu năm rồi nói “phải chi mẹ chỉ 30 tuổi thôi, như mẹ của các bạn con”. Vậy là, tuy mới ngần ấy tuổi đầu, con vẫn hiểu rằng khi mẹ càng nhiều tuổi thì thời gian mẹ sống cùng con không thể dài hơn, như mong muốn của con được giống như các bạn.

Suy nghĩ ấy của con làm mẹ thật sự giật mình. Mẹ đúng hay sai khi quyết định có con lúc đã nhiều tuổi rồi ? Phải chăng quyết định ấy chỉ là vì mẹ, chỉ là vì sự ích kỷ của mẹ, bởi mẹ khao khát mình có được cái cảm giác hạnh phúc có đứa con của mình. Có bao nhiêu trường hợp người mẹ lớn tuổi đã sinh con bị down, bị chậm phát triển hoặc những khuyết tật khác. May mắn thay con ra đời lành lặn, khoẻ mạnh, thông minh. Nhưng con vẫn phải đối diện với nỗi lo sợ mẹ sẽ rời con ra đi khi con chưa đến tuổi trưởng thành.

 

Mẹ và con, Thảo Nguyên ơi, chúng mình đã sống cùng nhau những ngày hạnh phúc, thật sự là quãng đời hạnh phúc nhất của mẹ. Những vất vả của ngày làm lụng cực nhọc căng thẳng đến đâu cũng đều tan biến đi bên ngoài cánh cửa căn nhà của gia đình mình, khi mẹ về cùng với con ngồi ở sau lưng mẹ, huyên thuyên kể chuyện trong lớp học ; khi đêm về mẹ ôm con ngủ, mà trước khi đi vào giấc ngủ con thỏ thẻ đủ điều, tâm sự với mẹ đủ chuyện, chuyện của con, chuyện của bạn bè.

Có phải vì vậy mà mẹ cười thích chí khi nghe ai đó khen mẹ trông còn trẻ nhiều so với tuổi, mẹ nói đùa “Vậy hả ? chắc tại vì tôi có con còn bé quá cho nên tôi phải trẻ”.

Cho nên vì vậy mà, Thảo Nguyên ơi, hãy yên tâm là, khi mẹ và con sống cùng nhau hạnh phúc đến như thế, rất có thể “mẹ sẽ sống hoài với con mà !”, như mơ ước của con mà khi nghe con nói, mẹ đã cười, nụ cười nhoà lệ.

 

Ngày 30 tháng 9 năm 2007

20 nhận xét:

  1. Đây là "sáng tác" khi bị bắt buộc phải dự một cuộc thi gì đó của hội phụ nữ ở khu phố. Nay post lên đây như là bài thực tập sau khi học bài của cô giáo TN. Ý cô ra sao vậy? cô TN ơi, em học bài xong em trả bài liền đây, cô có cưng hong ?

    Trả lờiXóa
  2. xúc động quá .,.

    thật khỏe mạnh , thật an lành mẹ của TN nhé , mong như thế , rất mong như thế !

    Trả lờiXóa
  3. em gần 40 rồi , cũng đang dự án sẽ có thêm 1 bé , nhưng cũng lo lắng đủ điều ...

    nên chắc là sẽ thôi :(

    Trả lờiXóa
  4. Nếu sức khỏe tốt, không có bệnh mãn tính thì vẫn được em ạ. Mẹ của chị sinh em trai út khi 45 tuổi, em cao to, thông minh, tốt nghiệp đại học. Em hãy nghe theo bác sĩ của mình. Nếu bác sĩ đồng ý, em hãy có em bé. Vì bé lớn cũng rất cần có em, để sau này trên đường đời còn có anh (chị) em. Chị cảm ơn em đã xẻ chia.

    Trả lờiXóa
  5. Em thích cách viết của chị , ngắn gọn nhưng xúc tích và bao hàm ...Không quá nhiều lời yêu thương mà yêu thương tràn trề ..

    Ai đã từng làm mẹ, đọc chị... để lại thấy mình . Cám ơn chị ...

    Trả lờiXóa
  6. Bài dự thi không được quá 1000 chữ em à. Cảm ơn Gió đã chia xẻ..

    Trả lờiXóa
  7. Đọc lại mà giật mình. Những ngày bắt đầu có Thảo Nguyên, đi ngoài đường nhìn vào căn nhà nhỏ ở Hóc Môn những tấm tả trắng bay bay, rồi khi về ở nhà có lầu, một trận té từ trên lầu xuống. Hết con đến mẹ, trận đau gan ấy, hồn bất phụ thể, giữa lúc ấy nhóm VK cũng đến mấy bạn đang nằm bệnh viện, đến khi thấy chị cười tươi trở lại mới thở phào, tai qua nạn khỏi. Sóng gió theo chân chị mười mấy năm, bây giờ nhìn chị cười trên ảnh, mong sẽ thấy hoài nụ cười này chị ơi!

    Trả lờiXóa
  8. Em ở xa, không nhận được nhiều tin tức nhưng vẫn dõi theo.
    Từ chuyến đi của mọi người lên nhà chị ở Hóc Môn,
    đến buổi tiệc SN của TT ở nhà Hoàng Sa,
    rồi lần ghé nhà ở NTMK ăn giỗ Bác...
    Cả lần Thảo Nguyên theo chị và các anh chị,các bạn về nhà em ...
    biết chị đã trải bao tình yêu thương cho cháu...
    Không gì cao cả và đẹp đẽ bằng lòng mẹ.
    Entry đầu tiên của chị làm nao lòng, chị ạ.

    Trả lờiXóa
  9. Còn nhớ thêm hồi ở Hóc Môn, đi về khuya, mẹ con, chồng vợ chạy tuốt xuống mương, sợ quá phải tìm cách quay về Sài Gòn. Thảo Nguyên ơi! Mẹ Quế vất vả biết bao nhiêu. Ngoan nhé con!

    Trả lờiXóa
  10. Ôi, các bạn nhớ nhiều quá. Làm tui cảm xúc, đang hu hu đây. Lúc tui nằm viện, dường như là CM và Hội cũng bệnh, tui nhớ là tui cũng buồn buồn vì khg đi thăm đc 2 bạn đó. Sau đó H ra đi. Thật là tiếc nhớ. Vâng lời cô giáo, đang ráng nhớ về căn gác ở Thị Nghè của mấy chị em, cả những hình bóng hay lui tới đó, nào là NE, H, VVN, Nga ... Từ từ nhe đừng vội vả hén cô giáo.
    Thảo Nguyên tương đối ngoan, nhưng cú té lầu chắc còn di chứng, cháu ở nhà với mẹ thì tốt, nhưng ra ngoài giao tiếp kém, bây giờ bản thân cũng kg thích đi đâu, thích ở nhà với mẹ, đi chơi với một mình mẹ. Chưa biết sẽ là gì.

    Trả lờiXóa
  11. Chị ơi, chị à, em đã từng sống với chị, những gì chị viết, với em, giống như mới hôm qua.
    Em hiểu, chị đã vất vả như thế nào mà những điều chị chia sẻ, thật ra, cũng chỉ là một phần rất nhỏ thôi!
    Chặng đường vẫn còn dài hun hút chị ơi, nhưng dẫu sao chị cũng đã có hạnh phúc được làm mẹ và em nghĩ, đó là điều hạnh phúc nhất. Vậy thì...bước tiếp chị nhé!
    Những kỷ niệm về chị, em nhớ đầy đủ và sẽ lần lượt xuất hiện ở nguoivankhoa, cho chị, cho em để hai chị em mình chẳng khi nào quên và...cho tất cả.

    Trả lờiXóa
  12. GM, CM, TN à, thật sự sóng gió đã qua hết rồi. Hiện tại chị bình an, đang hưởng nhàn đấy. Được vậy mới rảnh rang, rồi thèm "nói chiện" với mọi người ở Mul đây. Cảm ơn tất cả - những chia xẻ này là hạnh phúc của tôi.

    Trả lờiXóa
  13. Thảo Nguyên thật đáng yêu. Tình cảm hai mẹ con của chị thật cảm động. Con cái luôn là niềm hạnh phúc của các bà mẹ, chị nhỉ.

    Trả lờiXóa
  14. Đúng vậy em ạ. Cảm ơn em đã chia sẻ. Nhưng còn phải đợi xem khi con lớn lên có nên người ko nữa.

    Trả lờiXóa
  15. Một lời tâm sự thật chân tình của chị, em rất xúc động và...nhớ về Mẹ em(bà đã mất 32 năm rồi)
    Em mong sự bình an và hạnh phúc luôn tràn đầy đến với chị và T.Nguyên nhé!

    Trả lờiXóa
  16. 1 bài viết đau lòng. Cho cả mẹ và con.
    Trong cuộc sống có rất nhiều cha mẹ vì mải mê tiến thân và kiếm tiền mưu sinh muh đã bỏ quên tuổi thơ của đứa con mình. Ckim rất tiếc cho họ
    CKim nói thật. Cuộc đời Ckim rất quí tuổi thơ của con trẻ. 1 khi nó qua đi thì không bao giờ lấy lại được. Tuổi thơ của đứa trẻ rất ngắn ngủi chỉ có 18 năm thôi. Nhưng tuổi đời bương chảy của nó đến mấy mươi năm. Thì tại sao mình tạo nó ra mình không cho nó có 1 tuổi thơ thật yêu thương đầm ấm hạnh phúc vui vẻ nhiều kỷ niệm tình thương trong tay tình thương mẫu tử chứ.
    Con trẻ mình không cho nó được 1 tuổi thơ đẹp thì khi nó vấn thân vào cuộc đời nó dẫm phải chông gai nó đau buồn. Khi nó đau buồn như vậy nó ngồi nhớ lại tuổi thơ nó sẽ càng đau buồn hơn. Nó cảm thấy chán nản cuộc sống. Đứa có ý chí thì nó tự chóng chọi cố bào chữa nó vùng vẫy thoát ra 1 cách đau khổ . Nhưng đứa yếu đuối thì nó sẽ ngã quỵ ngay nó chán chường không muốn sống hoặc sống 1 cách buông thả hận đời và cuộc đời của nó.Nó sẽ chán ghét nó tự hỏi tại sao nó có mặt trên cõi đời này. Còn nếu nó có tuổi thơ đẹp thì nó có chút gì an ủi trong cuộc sống và nó biết nó cần vượt qua gian nan nó đang mắc phải nó nghĩ đến tình thương phụ mẫu đã mang đến cho nó lúc tuổi thơ nó không muốn buông xuôi làm cho phật lòng phụ mẫu và cái chính là tình thương yêu của nó đối với phụ mẫu nó muốn sống sao cho tốt bản thân để phụ mẫu nó không buồn lòng. Vì cái tình yêu thương lúc tuổi thơ nó có chính là 1 động lực thúc đẩy nó cố vương lên vì nó biết lúc nào cũng vậy dù có thất bại nơi xã hội trong cuộc sống nhưng sau lưng kế cạnh nó luôn luôn có tình thân thương yêu phụ mẫu luôn luôn bên cạnh nó.
    1 đứa trẻ bao giờ cũng vậy nó luôn luôn cần phụ mẫu bên cạnh nó để âu yếm thương yêu nó và để nó được nũng na nũng nịu nhõng nha nhõng nhẽo trong lòng phụ mẫu yêu thương và được yêu thương âu yếm. Không có đứa trẻ nào lại không muốn có tuổi thơ được sống gần ba mẹ được yêu thương trong vòng tay phụ mẫu. Thì tại sao mình không cho nó được trọn vẹn.( con nít nó đâu có cần tiền nó đâu có biết tiền là gì ) Tiền chỉ là chi phí lo cho nó muh thôi. Cho nên mình cần gì cấm đầu cấm cổ tạo tiền cho thật nhiều để làm chi muh bỏ mất tuổi thơ của con mình. Tiền rất cần trong cuộc sống nhưng con trẻ nó cần gần cha mẹ hơn cần tiền và nên nhớ tuổi thơ con trẻ chỉ có 18 năm thôi( sau 18 năm nó không còn tuổi ngây thơ nữa. Đừng nên đánh mất tuổi thơ của con trẻ ).
    Cái quan trọng nhất kế cạnh con trẻ là sự quan tâm chính mình dạy dỗ con thơ. Không có 1 ai thương con mình và dạy con mình chăm sóc con mình bằng chính bản thân mình.Nên nhớ như vậy.Khi con trẻ còn nhỏ thẩy nó như trái banh lông cho ông , bà , dì , cô ,cậu , bảo mẫu chăm sóc. Họ chăm sóc chu đáo chứ chẳng phải không. Nhưng không sao bằng mình và cái chính nên hiểu là con mình nó cũng không có cuộc sống thoải mái bằng chính tay cha mẹ chăm sóc dạy dỗ( đứa trẻ nó cần cha mẹ chứ nó không cần ngôi thứ ba trong cuộc sống )( nó sống với ngôi thứ ba nó phải nhìn mặt người ta muh sống. Nó sống trong sự khôn ngoan tự vệ. Mình vô tình dạy cho con mình 1 cách sống giã dối ).Mình giao con

    Trả lờiXóa
  17. Cảm ơn chieukim. Ckim là một người mẹ tuyệt vời. Những đứa con thật sự hạnh phúc khi có được một người mẹ như Ckim vậy. Nếu vì cuộc sống và công việc bắt buộc mà phải gởi con cho người khác, thì thật là đau lòng nếu có những điều ko tốt xãy ra cho con trẻ. Những lời của em trên đây thật là đáng quí, thật là đáng phải suy ngẫm cho tất cả những người mẹ ...

    Trả lờiXóa
  18. Cảm ơn KH thật nhiều. Đến hôm nay chị mới trở lại entry này và gặp em, thật là cảm động.

    Trả lờiXóa