Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

8 lý do để uống cà phê (sưu tầm)

 

         Cà phê ngon, thơm và hương vị đặc trưng gợi nhớ, đến mức nhiều người nếu sáng ra mà chưa “chạm môi” vào ly cà phê thì cứ vẩn vơ như thiếu một điều gì. Thế nhưng nó còn là một thứ đồ uống mà các nhà khoa học hết sức khách quan đã nêu ra 8 lý do để lựa chọn.

1. Cà phê làm cho chúng ta thoải mái và dễ tính hơn

         Hoạt chất trong cà phê là caffeine - một chất tác động vào hệ thần kinh trung ương, gây hưng phấn. Điều này chắc ai cũng nhận thấy sau 10-15 phút uống chút cà phê. Sự sảng khoái ấy tác động đến cả tâm lý, khiến người ta dễ tính, sẵn sàng bỏ qua những chuyện vặt vãnh, sẵn sàng gật đầu.

         Trong cuộc khảo sát của các nhà khoa học Úc, ĐH Queensland trên 400 người tình nguyện vốn có quan điểm chống lại việc nạo thai và “chết êm ái”. Cùng uống một cốc nước giống như nhau, rồi đọc một bài báo của phe chống đối hai quan điểm ấy. Sau đó hỏi ý kiến họ, đa số người uống nước cam pha chút caffeine thay đổi quan điểm, đồng tình với bài báo vừa xem.

         Còn những người uống nước cam đơn thuần vẫn “giữ vững lập trường”. Chẳng phải cà phê là loại nước uống mang đầy tính hòa giải và thuyết phục sao?

2. Cà phê làm tiêu mỡ

         Một bí mật: Cindy Crawford thoa bã cà phê lên người để... giữ được một cơ thể săn chắc với những đường cong tuyệt mỹ. Đó là lý do vì sao trong các loại kem thoa để tiêu lớp mỡ dưới da đều có chứa caffeine.

         Chuyên gia thẩm mỹ Tiến sĩ Elisabeth Dancey cho biết: “Khi chúng ta dùng một chế phẩm caffeine hòa trong rượu cồn, caffeine sẽ thấm qua da và kích thích các tế bào giải phóng axit béo, nhờ vậy giảm được lớp mỡ đọng. Uống trà và cà phê dưới 2 ly mỗi ngày sẽ giúp bạn đẩy mạnh được sự chuyển hóa chất béo”.

         Nhưng cà phê cũng là một con dao hai lưỡi tại chính nơi đọng mỡ. “Nếu bạn dùng trên 2 ly, nó thúc đẩy sự tuần hoàn cục bộ làm tích tụ các chất độc ở đây”. TS Dancey nói thêm.

3. Cà phê làm giảm nguy cơ mắc bệnh hen và chữa được dị ứng

         Nhiều tài liệu y học nói đến tác dụng của caffeine làm những người bị hen thở dễ dàng hơn và giảm nguy cơ bị lên cơn hen. Từ cuối thế kỷ 19, nhà văn Pháp Marcel Proust, bị bệnh hen, đã viết “Khi còn nhỏ, chính caffeine đã giúp tôi thở được”. Nhiều công trình nghiên cứu hiện nay đã khẳng định điều này.

         Một công trình ở Ý, theo dõi trên 70.000 người đã khẳng định caffeine là “khắc tinh” của bệnh hen. Nếu uống từ 2 đến 3 ly cà phê mỗi ngày, nguy cơ bị các cơn hen tấn công giảm được 28%.

         Cà phê rất có ích trong việc chế ngự các phản ứng dị ứng của những người hay bị triệu chứng này. Vì nó có tác dụng làm giảm sự giải phóng histamin vào trong máu, vốn là nguyên nhân gây dị ứng.

4. Cà phê giúp giảm đau

         Những loại thuốc giảm đau thường chứa caffeine. Bởi cà phê đẩy nhanh tác dụng của các chất làm giảm cơn đau bằng cách giúp cho chúng được hấp thụ nhanh chóng.

         Một tách trà hoặc cà phê nóng có thể làm bạn khỏi đau đầu là điều mà ai cũng biết. Quả vậy, nếu những chất làm giãn mạch thường gây đau đầu thì caffeine lại làm cho mạch máu co lại. Những thuốc giảm đau chứa caffeine thường giảm được liều lượng sử dụng và như vậy có nghĩa là giảm sự phụ thuộc vào thuốc (vì thuốc là hóa chất, chẳng bao giờ nên dùng nhiều).

         Tại Mỹ, một công trình nghiên cứu của các nhà khoa học ĐH Georgia cho biết rằng uống java (một loại giải khát chứa caffeine) có tác dụng làm giảm đau cho cơ bắp của các vận động viên trong những bài tập nặng tốt hơn uống aspirin.

5. Cà phê bảo vệ khỏi các bệnh về gan

         Một công trình nghiên cứu năm 2005 trên 10.000 người tình nguyện do Viện Nghiên cứu Quốc gia về bệnh gan, thận và tiêu hóa đã chứng minh rằng caffeine trong cà phê và trà giảm được nguy cơ tổn thương gan do các đồ uống “nặng” và hiện tượng béo phì gây ra.

Một nghiên cứu trước đó ở Na Uy đã kết luận ba ly cà phê mỗi ngày có thể giảm tỷ lệ tử vong do xơ gan.

6. Cà phê kích thích hoạt động trí óc

         Cà phê có tốt cho não không? Nhóm nghiên cứu của GS Andrew Scholey, Trung tâm Nghiên cứu Nhận thức và Khoa học nơ ron thuộc ĐH Northrumbia (Anh), khẳng định là rất tốt.

         Những người tình nguyện chia thành nhóm uống cà phê hằng ngày và nhóm không hề uống cà phê. Mỗi nhóm dùng một lượng caffeine như nhau và trắc nghiệm về nhận thức. Kết quả đều tốt như nhau.

         GS Scholey nói: “Kết quả của chúng tôi cho thấy rằng caffeine trong một ly cà phê làm tăng được sự tỉnh táo, minh mẫn và tập trung trong các hoạt động về trí tuệ, làm tăng được tốc độ tư duy.

         Nó còn tăng được khả năng sáng tạo. Nhà văn Pháp Honoré de Balzac, tác giả bộ “Tấn trò đời” khổng lồ đã uống cà phê đặc để sáng tác thâu đêm. Ông thường bảo ông uống cả một ao cà phê không đường để làm nên tác phẩm để đời này.

7. Cà phê làm tăng sức mạnh của cơ bắp

         Cà phê làm tăng sức mạnh khiến người ta có thể nhảy cao hơn, xa hơn, chạy nhanh hơn. Đó là lý do tại các Thế vận hội quốc tế có quy định giới hạn hàm lượng caffeine trong máu các vận động viên trong thi đấu.

         Năm 2003 một nhóm nghiên cứu tại Viện Thể dục Thể thao Úc tại Canberra nhận thấy các vận động viên uống một chút caffeine trước khi luyện tập có thể tăng thành tích từ 3 đến 30% so với người không uống.

         Các nhà nghiên cứu giải thích rằng caffeine kích thích sự đốt cháy chất béo chứ không phải chất đường trong bắp thịt để sinh năng lượng. Các nghiên cứu khác chứng minh caffeine làm giảm sự mệt mỏi.

8. Cà phê chống lại bệnh tiểu đường type II

         Cà phê còn giúp đẩy lùi bệnh tiểu đường. Từ lâu người ta đã nghi ngờ có một sự liên quan nào đó giữa caffeine và đường glucoze. Một công trình nghiên cứu trên 160.000 cả nam lẫn nữ đăng trên tạp chí Annals of Internal Medicine xuất bản tại Mỹ cho rằng những ai uống nhiều caffeine (tất nhiên không lạm dụng) thường mắc ít bệnh tiểu đường type II hơn những người uống ít hoặc không uống.

         Ngay trong số những người “nghiền cà phê”, ai uống cà phê đã khử caffeine có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type II cao hơn người uống cà phê thường. Một công trình nghiên cứu tại Nhật năm 2005 có cùng kết luận này.

Cái hại của cà phê

         Sẽ không công bằng nếu chỉ nói đến cái lợi của cà phê. Nó cũng có hại chứ! Nói cho đúng, chỉ là một trong hơn 300 hợp chất thiên nhiên có trong cà phê, nhưng lại là hợp chất chính – caffeine - là đáng kể.

         Caffeine là tinh thể trắng, vị đắng, có trong hạt, lá và quả của một số cây (dĩ nhiên phải kể đến cây cà phê trước tiên). Nó có thể làm người ta dùng luôn như một thói quen khó bỏ giống như một chất gây nghiện. Liều lượng cao, nó gây nhức đầu, mất ngủ, nôn mửa, run chân tay...

         Dùng lâu dài, caffeine gây táo bón và phụ nữ có thai có thể sinh con nhẹ cân, thậm chí sảy thai.

         Tuy cà phê không gây nghiện trầm trọng, nhưng chữa nghiện cà phê cũng khó chịu, làm người ta lo âu, trầm cảm một thời gian. Đối với một số người, thật lạ lùng, cà phê lại là chất gây ngủ. Càng uống nhiều, càng buồn ngủ.

         Vậy đấy. 8 cái lợi và 1 cái hại của cà phê (mà chủ yếu là của caffeine khi dùng quá liều). Uống hay không, tùy bạn, nhưng những cái lợi quả thật là diệu kỳ. Vấn đề là nếu biết khống chế liều lượng thì chỉ có lợi.

Uống bao nhiêu cà phê là vừa đủ?

Uống cà phê, người thích uống đặc, người thích uống loãng nên khó xác định bao nhiêu là đủ. Người ta đành tính theo hoạt chất của cà phê là caffeine.

Theo các nhà khoa học, 300mg caffeine mỗi ngày là lượng hợp lý. Vả lại, tác dụng chính của cà phê cũng do caffeine mang lại. Mà không chỉ cà phê, các nước uống khác như Coca-cola, Pepsi-cola, nước tăng lực, trà, sôcôla đều có một lượng caffeine nhất định, bạn có thể dùng để bổ sung caffeine theo khẩu vị.

Chẳng hạn:

- Một ly cà phê phin (cũng tương đương một cốc cà phê đá) – 100-120mg caffeine.

- Một lon nước tăng lực - 80mg caffeine.

- Một gói cà phê tan – 60-80mg caffeine.

- Một cốc nước trà xanh – 30-60mg caffeine.

- Một viên thuốc giảm đau – 35-60mg caffeine.

- Một thanh sôcôla-sữa (50g) - 15mg caffeine.

- Một thanh sôcôla nguyên chất (50g) – 40mg caffeine.

- Một lon Coca-cola - 40mg caffeine.

--> Read more..

Thứ Ba, 29 tháng 5, 2012

Dưa leo muối




Khi tự nhiên được cho quá nhiều dưa leo, không thể nào ăn cho kịp, thì mình làm dưa muối. Cách này học của anh Hai Việt Trí.
--> Read more..

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Sương sâm đắng




Cây sương sâm bé xíu, nhưng mình nóng lòng muốn nếm thử. Ai dè có vị đắng. Giờ làm sao đây? Nhổ bỏ hay sao? ...
--> Read more..

Cá kho nâu




Cá kho nâu là tên Thảo Nguyên đặt cho món cá kho ưa thích của nhà tôi. Ngọc Thúy xem hình bữa ăn với cá kho cũng nhắn hỏi cách kho cá.
Vậy nên dù sáng nay mưa lắc rắc, tủ lạnh cũng còn đầy đồ ăn, tôi che dù bước qua hẻm cạnh nhà để mua cá ba sa. Luôn tiện ghi hình "chợ Hạnh", tiếng gọi vui của tôi dành cho Hạnh, một người đàn bà quê Bắc, tần tảo, ở tận Bình Chánh, mỗi sáng sớm, khoảng 6 giờ, hàng ngày, chở đủ thứ đồ ăn đến bán bên hông Trường Tương Lai. Hạnh trở thành cô bán hàng thân thiết của xóm tôi. Từ khi phát hiện cá và hải sản rất tươi của em, tôi không còn mua những món này ở đâu nữa
Bạn Ngọc Thúy ơi, cá kho, mỗi vùng miền, mỗi gia đình có cách kho riêng. Đây chỉ là cách kho vừa miệng của riêng mình, cá khác mình cũng làm giống vậy, tùy từng lúc thích thêm gì cũng được, khi thì tiêu, ớt, khi thì kho lâu hơn cho kẹo lại...
--> Read more..

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

Cây móng rồng




Đến nhà Ngọc Thúy chơi, mới biết cây móng rồng. Thúy nói trồng cây này đã hơn 20 năm ...
Chủ nhà ko chịu chụp ảnh, nên chỉ ghi lại thế này thôi :
--> Read more..

Mẹ và con




(Thân mến tặng Thủy và lớp DS)

Ngày của mẹ đã qua rồi. Ngày gia đình chưa tới. Nhưng hôm nay đủ duyên để tôi ngồi tập gần Thủy và mẹ của Thủy. Hai mẹ con thường đến lớp trễ, khi đó cả lớp đã tập rồi, chỗ ngồi cạnh nhau hiếm có, hai mẹ con thường ngồi cách xa nhau, có khi người đằng đầu người ở cuối phòng ...
Thủy còn trẻ, ko có bệnh mãn tính gì, rất thành thạo yoga và thể dục thẩm mỹ. Mỗi khi có phóng viên chụp ảnh hay quay phim, Thủy luôn là 1 người mẫu của lớp.
Nhưng Thủy hàng ngày đều đặn đến đây tập, là vì để đưa mẹ đến và tập cùng với mẹ. Bà đã trên 70, bệnh tim, mang tim nhân tạo.
Tôi nói với Thủy : chị thật sự xúc động vì cái cách em yêu thương và báo hiếu cho mẹ ...
Ước gì mỗi người mẹ, người cha, đến khi tuổi xế chiều đều có được đứa con như Thủy ...
--> Read more..

Chị Nguyệt




Chụp ảnh chị Nguyệt và các bạn tập hồi Tết, nhưng đến hôm nay mới post tặng các chị. Rùa Q. xori các chị nhé.
Buổi tập sau ngày mừng thọ của lớp đấy.
--> Read more..

Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012

Thử máy




Mới biết chụp auto thôi, mà cũng chưa rành. Bạn TN nói, phải mấy trăm tấm lận, mới rành ...
--> Read more..

Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012

Cây sả tươi làm cho tế bào ung thư tự tiêu hủy

Cây sả tươi làm cho tế bào ung thư tự tiêu hủy

Tại Do Thái, ruộng rẩy trồng sả tươi là thánh địa cho bệnh nhân ung thư (cancer)
Uống một lìều lượng nhỏ chừng 1g cây sả tươi, chứa đủ chất dầu làm cho tế bào cancer tự tử trong ống nghiệm.
Các nhà nghiên cứu người Do Thái đã tìm ra đường lối làm cho tế bào cancer tự hủy diệt. Tại trường đại học Ben Gurion, Đầu tiên người ta thấy một nông dân tên là Benny Zabidov, người này đã trồng một loại cỏ trong trang trại Kfar Yedidya của mình thuộc vùng Sharon, ông này không hiểu sao có rất nhiều bệnh nhân cancer, họ đến từ khắp nơi trong nước, tập trung trước cửa nhà Zabidov hỏi xin cây sả tươi. Thì ra các bác sĩ bảo họ đến. Họ được khuyên phải uống mỗi ngày 8 lần cây sả tươi chụng với nước sôi trong những ngày họ đến chữa bằng radiation và chemotherapy.

Tất cả bắt nguồn từ các nhà nghiên cứu tại trường đại học Ben Gurion thuộc vùng Negev, năm ngoái họ đã khám phá ra dầu thơm trong cây sả đã diệt được tế bào cancer trong ống nghiệm, trong khi tế bào lành vẫn sống bình thường. Dẫn đầu toán nghiên cứu là bác sĩ Rivka Okir và giáo sư Yakov Weinstein, giữ chức vụ của Albert Katz Chair, trong nghiên cứu sự khác biệt của tế bào và những bệnh ác tính.từ các phân khoa vi sinh học và miễn nhiễm tại BGU.
Chất dầu sả là chìa khóa cấu thành đã tạo mùi thơm chanh và mùi vị dược thảo như cây sả (Cymbopogon ctratus), melissa (melissa officinalis) and verbena (Verbena officinalis)
Theo Ofir, sự học hỏi tìm ra chất dầu sả gây cho tế bào cancer tự tử gọi là chương trình gây sự tử vong của tế bào (programmed cell death).
Uống một liều lượng nhỏ 1g cây sả có đủ chất dầu thúc đẩy tế bào cancer tự tử trong ống nghiệm! Các nhà thanh tra thuộc trường BGU thử lại sự ảnh hưởng của chất dầu sả trên tế bào cancer bằng cách cho thêm tế bào lành, đã được nuôi cấy, vào. Số lượng cho vào bằng với số lượng trà cây sả với 1g đã được ngâm nước sôi. Nhận thấy trong khi chất dầu sả diệt tế bào cancer thì tế bào lành vẫn sống bình thường.
Sự khám phá được đăng trên báo khoa học Planta Medica, được nhấn mạnh về các sự thí nghiệm các phương thuốc chữa trị bằng dược thảo.
Ngay sau đó, sự khám phá đã được đưa lên phổ biến bằng các phương tiện truyền thông công chúng.
Tại sao dầu sả lại tác dụng như vậy? Không ai biết chắc chắn, nhưng các khoa học gia trường BGU đã đưa ra một lý thuyết: trong mỗi tế bào của cơ thể chúng ta có một chương trình di truyền, nó đã gây ra một "chương trình tế bào chết". Khi có điều gì sai lạc, tế bào phân chia ra mà không kiểm soát được và trở thành tế bào cancer.
Ở tế bào bình thường, khi tế bào khám phá ra hệ thống kiểm soát không điều hành đúng, thí dụ khi nó nhận thấy tế bào chứa đựng những di truyền sai lạc khi phân chia – nó sẽ kích hoạt cho tế bào chết đi, đó là sự giải thích của Weinstein. Sự nghiên cứu này đã cho thấy lợi ích của dược thảo trên về mặt y khoa.
Sự thành công của họ đã đưa tới kết luận về cây sả, có chứa chất dầu, được coi như có khả năng chống lại tế bào cancer, như là họ đã từng nghiên cứu tại trường BGU và đã được phổ biến trên truyền thông, nhiều bác sĩ tại Do Thái đã bắt đầu tin tưởng những nghiên cứu có thể mở rộng hơn nữa, trong khi vẫn khuyến cáo những bệnh nhân, tìm đủ mọi cách để chống lại căn bệnh này, bằng cách dùng cây sả để tiêu diệt tế bào cancer.
Đó là lý do tại sao trang trại của Zabidov – nơi duy nhất trồng cây sả (lemon grass) tại Do Thái – đã trở nên một thánh địa cho những bệnh nhân này. May mắn thay họ đã tự tìm thấy đôi bàn tay thần diệu. Zabidov đón tiếp những người khách viếng thăm với những ấm trà cây sả và những đĩa bánh ngọt bằng thái độ niềm nở, ông ta nói: 'Cha tôi chết vì cancer, chị vợ tôi chết khi còn trẻ cũng vì cancer. Vì vậy tôi hiểu rõ những gì họ đã phải chịu, và tôi có thể không biết gì về thuốc men, nhưng tôi biết lắng nghe. Những bệnh nhân thường nói với tôi về sự điều trị đắt tiền mà họ phải trải qua. Tôi không bao giờ bảo họ ngưng chữa trị, nhưng cũng rất tốt khi họ dùng thêm trà cây sả.'
Zabidov biết rõ tiếng gọi của nghề nông đã đến với ông từ thời trai trẻ. Ở tuổi 14, ông đã theo học trường trung học canh nông Kfar Hayarok.Sau khi phục vụ trong quân đội, ông làm việc cùng nhóm lý tưởng chủ nghĩa hướng về phương nam, trong vùng sa mạc Arava một moshav mới (argriculture settlement) gọi là Tsofar.
Ông ta mỉm cười và nói: 'chúng tôi rất thành công. Chúng tôi trồng trái cây và rau. Chúng tôi cũng nuôi nấng những đứa con xinh xắn. Trong một chuyến du lịch sang Âu châu vào giữa thập niên 80, ônng ta bắt đầu thích dược thảo. Do Thái, ở một thời, thường có khuynh hướng là không gì thích hơn các món ăn Đông phương và chỉ có một số thể loại được trồng có tính thương mại như cây cần tây (parsley), cây thì là (dill), cây ngò thơm (coriander).
Đi lang thang trong khu chợ Paris, tìm kiếm một vài loại dược thảo, Zabidov đã thấy được một tiềm lực có thể xuất cảng to lớn nằm trong một góc chợ. Zabidov mang mẫu về nhà, ông ta mỉm cười, nói: đây là sự bất hợp lệ có tính kỹ thuật, để xem chúng có thể lớn lên trong nhà kính vùng sa mạc không. Không bao lâu ông ta có thể trồng các loại như rau húng quế (basil), cây kinh giới (oregano), cây ngải giấm (tarragon), một loại tỏi (chives), cây đan sâm (sage), và bạc hà. Công việc của ông ta là phát triển cơ ngơi vùng sa mạc, ông ta quyết định di chuyển về phía bắc, lập trang trại moshav tại Kfar Yedidya, môt giờ rưỡi lái xe ở phía bắc Tel Avis. Bây giờ ông ta bán hàng mấy trăm kí lô cây sả mỗi tuần và đã ký kết những hợp đồng phân phối hàng với các tiệm thực phẩm. Zabidov đã chính mình học hỏi về dầu cây sả và giúp khách hàng của ông ta hiểu biết hơn nữa, cũng như mời các chuyên gia y khoa tới trang trại của ông ta, nói chuyện về công dụng của cây sả. Ông ta cũng có trách nhiệm để nói chuyện với khách hàng của mình về cách dùng dược thảo này, Khi tôi nhận thấy có gì xảy ra, tôi cầm phone lên và gọi bác sĩ Weistein ở đại học Ben Gurion, vì những người này hỏi tôi cách tốt nhất để dùng dầu cây sả. Ông ấy nói ngâm sả trong nước sôi và uống 8 ly mỗi ngày.
Zabidov là người có công tìm ra cây sả, không phải đơn giải chỉ cho công việc trong trang trại, mà còn vì ảnh hưởng đến sức khỏe của chính ông ta. Ngay cả trước khi sự lợi ích của cây sả được biết đến và xử dụng, ông ta và gia đình đã uống trà cây sả hằng năm 'bởi vì hương vị thích thú của nó'.

Sức Khỏe & Đời Sống
 
Cảm ơn chị Quan Thư đã gởi cho tôi tài liệu này.
Để thực hành, tôi làm liền hai ly trà sả
 
--> Read more..

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Sương sâm




Đi ngang chợ Phú Nhuận thấy có lá sương sâm, mua về xay máy sinh tố rồi nhồi với hơn lít nước chín.
--> Read more..

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

Bánh tét giấy bạc




Được bạn Thúy (ở Câu lạc bộ Dưỡng sinh) tặng 4 cây giấy bạc, và dặn khi nào gói bánh tét thì cho Thúy xem ảnh.
Thúy ơi! mình cảm ơn Thúy nhiều nhé!
--> Read more..

Niềm vui thứ hai




Trưa nay ăn canh tương. Nói cho kêu thì là "Súp miso VN", vì chỉ bắt chước súp miso Nhật ở loại nguyên liệu và cách nấu, chớ rau củ và tương đều là của VN, cho nó rẻ hơn hàng chục lần, quan trọng là vừa miệng của người nấu hihihi ...
Còn niềm vui thứ hai là vì bửa nay là ngày đầu tuần, mà lại rất vui vì nhận được cái máy ảnh mới.
--> Read more..

Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

Maccadamia cookies




Hạt macca mua từ trước Tết, quên mất tới nay mới nhớ đem ra nướng được 1 dĩa bánh quy. Tránh ăn bơ cũng khá lâu rồi, nay tự thưởng cho mình mấy ngày thưởng thức cookies thơm ngát mùi bơ, vani và quế...
--> Read more..

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Thong dong giữa đôi dòng thuận nghịch

Để dành cho tôi tự nh lòng tôi.

 

Thong dong giữa đôi dòng thuận nghịch

Đã đọc: 13615
image

Ta làm và nói sai, nhưng ta lại được nhiều người khen ngợi mỗi ngày, như vậy mỗi ngày đi qua đời ta là mỗi ngày đưa đời sống của ta đi dần vào bóng đêm và từ bóng đêm này dẫn ta đi tới bóng đêm khác.

Ta làm đúng và nói đúng, nhưng ta lại bị nhiều người chỉ trích mỗi ngày, và như vậy mỗi ngày đi qua đời ta là mỗi ngày đưa ta từ bóng đêm bước ra ánh sáng và từ ánh sáng này, ta bước tới ánh sáng khác.

Chân lý không thuộc về sự khen ngợi hay chỉ trích, mà thuộc về ở nơi người nào thấy và biết đúng, nghe và cảm nhận đúng, sống đúng, nói và làm đúng.

Lằn mức giữa đúng và sai thật vô cùng vi tế và thẳm sâu, nên có những suy nghĩ, có những việc làm của ta, ở độ tuổi nầy thì đúng, mà bước qua độ tuổi khác lại là sai; ở buổi sáng thì đúng, mà ở buổi chiều thì sai; ở phút trước thì đúng, mà ở phút sau thì sai; đối với hoàn cảnh nầy thì đúng, nhưng ở hoàn cảnh khác thì sai; đối với người nầy thì đúng, mà đối với người khác thì sai, và cùng một vấn đề, mà ta nhìn nó từ góc độ nầy, thì nó đúng, nhưng ta nhìn nó với một góc độ khác thì sai.

Nên, đúng và sai là tùy theo mức độ hiểu biết của ta, liên hệ đến ô nhiễm hay thanh tịnh, sâu hay cạn, rộng hay hẹp của tâm ta.

Hễ tâm ta càng ít ô nhiễm và càng ít bị xáo động, thì cái biết của ta đi dần tới với cái đúng và ta có thể thường trú ở trong cái đúng. Hễ tâm ta bị ô nhiễm và xáo động, thì cái biết của ta càng lúc càng đi dần tới với cái sai lầm và ta có thể cộng trú thường trực với cái sai lầm ấy.

Ta thấy đúng và biết đúng đối với mọi sự hiện hữu, là do tâm ta yên lắng, không bị xáo động bởi các vọng tưởng, hoàn toàn không bị lay động và thụ động bởi các ngã tưởng và các dục. Ta sống với tâm như vậy, thì lúc nào và ở đâu, ta cũng không bị hoàn cảnh sai sử và không bị các hình tướng đánh lừa. Ta nghe với tâm yên lắng, không bị xáo động bởi các tưởng, thì ở đâu và lúc nào, ta cũng có sự tự do đối với cái nghe và ta không bị mọi ngôn ngữ và âm thanh đánh lừa. Ta cảm nhận từ mọi sự xúc chạm với tâm yên lắng và không bị xáo động đối với các vọng tưởng, thì sự cảm nhận của ta là sự cảm nhận đúng, nên lúc nào và ở đâu, ta cũng không bị các cảm giác và tri giác đánh lừa.

 Ta nuôi dưỡng đời sống bằng tâm yên lắng và không bị xáo động, thì lúc nào và ở đâu, ta cũng có tự chủ, không bị các loại ăn mặc và các thực phẩm ăn uống đánh lừa. Ta nuôi dưỡng đời sống bằng tâm chân thực, bằng sự hiểu biết sáng trong, bằng những hành động và những lời nói đúng đắn, thì lúc nào và ở đâu, ta cũng có đảm lực để sống, ta không bị thời gian khuất lấp, không bị những sự sợ hãi chi phối và không bị những sự hư dối đánh lừa.

Ta làm đúng, thì nhân quả đến với ta đúng như những gì ta đã làm. Ta làm sai, thì nhân quả cũng đến với ta đúng như những gì ta đã làm sai.

Ta muốn ăn cam, ta trồng cam, hội đủ nhân duyên, cam sẽ cho ta trái ngọt. Ta muốn ăn cam mà gieo hạt quýt, hội đủ nhân duyên, quýt sẽ ra trái cho ta mà không phải là cam.

Như vậy, ta thấy đúng, biết đúng và làm đúng, thì nhân quả đúng tự đến với ta. Ta thấy biết sai và làm sai, thì nhân quả đúng như với cái sai cũng tự đến với chúng ta.

Ta muốn ăn cam mà lại trồng quýt và chăm sóc quýt, hội đủ nhân duyên, thì ta chỉ có thành quả của quýt mà không phải là thành quả của cam, như vậy ta bị rơi vào tình trạng khổ đau là do ta mơ ước mà không thành.

Mơ ước không thành là do tâm ta, mà không phải do nhân quả hay do cuộc đời. Cuộc đời của ta chính là tâm ta và nhân duyên, nhân quả của cuộc đời ta là tùy thuộc vào tâm ta mà biểu hiện. Không có nhân duyên và nhân quả nào tách rời khỏi tâm ta mà hình thành và biểu hiện cả. Tâm ta chính là nguồn gốc cho nhân duyên, nhân quả của cuộc đời ta hình thành và biểu hiện.

Do ta không nhận biết cụ thể và chính xác nhân duyên, nhân quả giữa những hạt giống cam và quýt; do ta không biết phương pháp để chăm sóc; và do ta không biết thời vụ và chất đất để gieo trồng, nên ta mong muốn một đường, mà kết quả đến với ta một nẻo.

Không có nhân duyên, nhân quả nào, khi ta gieo hạt giống cam mà quả lại cho ta là quýt và cũng không có nhân duyên, nhân quả nào, ta gieo hạt giống quýt mà quả lại cho ta là cam.

Cũng vậy, không có thành quả của an lạc và hạnh phúc nào đến với người tâm nghĩ ác, miệng nói ác, thân làm ác. Và cũng không có thành quả khổ đau và thất vọng nào đến với người tâm nghĩ thiện, miệng nói thiện và thân hành thiện.

Nếu vì bản thân ta, mà nghĩ đến điều thiện, miệng nói điều thiện và nỗ lực làm việc thiện, thì thiện ấy chưa phải là thiện của thiện, nên an lạc đến với ta rất ít, mà khổ đau và thất vọng đến với ta rất nhiều.
Vì vậy, ta không ngạc nhiên gì, ở giữa đời đã có nhiều người tự cho mình là hành thiện, nhưng trong đời sống của họ chỉ sinh ra những trái đắng và khổ đau.

Nếu không vì bản thân ta mà tâm nghĩ đến điều thiện, miệng nói điều thiện và nỗ lực làm thiện mỗi ngày, thì thiện ấy mới đích thực là thiện. Thiện ấy là điểm để cho niềm tin và an lạc trong tâm ta phát sinh và nhân duyên, nhân quả tốt đẹp hình thành trong đời sống của ta.

Một người biết sống yêu thương và tử tế với chính mình, người ấy không phải chỉ biết khắc phục hậu quả khổ đau, mà còn phải biết cách lấy những hạt giống khổ đau ra khỏi tâm thức của chính họ, khiến cho mọi nhân duyên, nhân quả khổ đau không còn có điều kiện sinh khởi ở trong đời sống của họ nữa. Và một người thông minh, giàu lòng nhân ái, người ấy không phải chỉ biết giúp người khác khắc phục hậu quả khổ đau, mà còn phải biết cách giúp cho người khác, thoát ra khỏi những hạt giống khổ đau ở nơi tâm thức của chính họ nữa.

Khổ đau hay hạnh phúc đến với chúng ta là từ nơi tâm thức của mỗi chúng ta. Nên, mỗi khi đối diện với khổ đau hay hạnh phúc là ta có cơ hội để tiếp xúc với những hạt giống thiện, ác ở nơi tâm ta. Tiếp xúc với những hạt giống bất thiện ở nơi tâm ta, không phải để đối phó, mà để nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa, khiến chúng đi về theo hướng hiền thiện. Và tiếp xúc với những hạt giống thiện ở nơi tâm ta không phải để tự mãn, mà để tiếp tục nuôi dưỡng và thăng hoa chúng đến chỗ thuần thiện.

Tiếp xúc và làm chủ tâm ta mỗi ngày, điều ấy không phải là dễ, tại sao? Vì tâm ta không có hình tướng. Nó vĩ đại thì trong thế gian nầy không có gì vĩ đại cho bằng; nó tinh vi, thì ở trong thế gian nầy, không có cái gì tinh vi cho bằng; nó bén nhạy và linh hoạt, thì ở trong thế gian nầy không có cái gì bén nhạy và linh hoạt cho bằng; nó độc ác thì ở thế gian nầy không có cái gì độc ác cho bằng; nó thánh thiện thì ở trong thế gian nầy không có cái gì thánh thiện cho bằng.

Vì vậy, tiếp xúc và làm chủ tâm là cả một công trình tu luyện liên tục và miên mật.

Và cũng vì vậy, ai tiếp xúc và làm chủ được tâm, người ấy mới có khả năng làm chủ được nhân duyên, nhân quả của đời mình, làm chủ được sự sống chết và tự tại giữa muôn ngàn diệt sinh, ảo hóa của vạn duyên và vạn hữu.

Nếu ta không làm chủ được tâm ta, thì ta sống với ai, ta cũng sẽ buồn chán, sống với xứ sở nào ta cũng sẽ thất vọng. Và nếu ta làm chủ được tâm ta, thì ta sẽ làm chủ được vạn duyên trong đời sống của ta, nên sống với ai ta cũng vui. Ta sống với thiện hữu tri thức ta vui đã đành, mà sống với ác tri thức cũng không làm cho niềm vui của ta bị suy giảm. Sống với thiện tri thức ta cũng có điều kiện để học hỏi và thăng hoa, mà sống với ác tri thức ta cũng có điều kiện để nhìn lại mình, mà phòng hộ và chuyển hóa. Sống trong thuận cảnh, ta vui đã đành mà sống trong nghịch cảnh, niềm vui của ta cũng không hề bị tổn giảm. Sống trong thuận cảnh, ta cũng có điều kiện để thăng hoa, mà sống trong nghịch cảnh, ta cũng có điều kiện để tôi luyện và phát huy nội lực.

Nghiệm cho cùng, sống giữa đời không có ai tồn tại trong thuận cảnh đơn thuần và cũng không có một ai tồn tại đơn thuần giữa nghịch cảnh. Nghịch và thuận là hai mặt tương sinh trong đời sống của mỗi chúng ta. Cũng như hai cánh tay phải và trái là hai khía cạnh của một thân thể lành mạnh, linh hoạt và tháo vát. Một thân thể lành mạnh, linh hoạt và tháo vát không bao giờ chỉ biết hoạt động một tay hay một chân.

Trong đời sống hàng ngày của chúng ta, ta thuận với cái nầy, thì ta nghịch với cái khác và ta nghịch với cái nầy, thì ta thuận với cái khác.

Ta chỉ có hạnh phúc và có khả năng hướng thượng, khi ta nhận ra được sự thật của lẽ thuận nghịch ấy trong đời sống của ta và chung quanh ta. Ta phải biết tác dụng thực tế của hai mặt thuận nghịch, ngay trong đời sống của mỗi chúng ta. Và ta phải biết làm chủ tâm ta ngay trong cái lẽ thuận nghịch ấy của cuộc sống.

Ta cần nhìn thật trầm tĩnh và sâu sắc để thấy rằng, ở trong đời có những cái thuận với ta cũng có khi giúp ta, nhưng cũng có khi hại ta và có những cái nghịch với ta cũng có khi là hại ta, nhưng cũng có khi giúp ta rất nhiều.

Nên, vấn đề an lạc và hạnh phúc của ta không phải là ở nơi sự từ chối nghịch chạy theo thuận, mà ta phải biết làm chủ tâm ta giữa hai lẽ thuận và nghịch ấy của cuộc sống. Ta cần phải nhìn sâu để biết rằng, chân lý của cuộc sống là bao gồm cả hai lẽ thuận và nghịch, nếu từ chối thuận hay từ chối nghịch, thì ta không có lý do gì để hiện hữu.

Cũng như ánh sáng là chân lý và tác dụng của ngọn đèn, nếu ngọn đèn chỉ chấp nhận điện tử dương, mà từ chối điện tử âm hoặc chỉ chấp nhận điện tử âm mà không chấp nhận điện tử dương, thì ánh sáng và tác dụng của ngọn đèn không bao giờ phát ra, khiến cho sự có mặt của cây đèn trở thành vô dụng và vô nghĩa. Ánh sáng của ngọn đèn chỉ phát ra và có tác dụng lợi ích cho cuộc sống, khi nào bản thân ngọn đèn có khả năng tiếp nhận và làm chủ hai dòng âm dương, thuận nghịch đến với nó và hoạt động trong nó.

Cũng vậy, mỗi khi ta đã làm chủ được tâm ta, khiến tâm ta hoàn toàn không bị chi phối bởi các vọng tưởng, thì hai lẽ thuận nghịch trong đời sống của mỗi chúng ta, giúp cho ta đi tới với đời sống tự do và khiến cho ta thong dong giữa đôi dòng thuận nghịch.

Thuận và nghịch trong đời sống của mỗi chúng ta, chẳng khác nào đôi cánh phải và trái của chú chim đại bàng đã giúp cho chú bay liệng giữa bầu trời cao rộng và tự do.

Thuận và nghịch trong đời sống của mỗi chúng ta, cũng phải thường trực quán chiếu như vậy, để lúc nào và ở đâu, ta cũng làm chủ được tâm ta, để ta có khả năng chế tác ra hạnh phúc và an lạc cho ta và cho mọi người, khiến cho ai cũng có thể thực hiện đời sống thong dong giữa đôi dòng thuận nghịch

--> Read more..

Một chữ Xả

Được bạn h giới thiệu, tôi chép bài giảng của HT Thích Thanh Từ về đây, riêng tặng gia đình các em tôi.

 

Một chữ Xả

  20/03/2011 09:14:00 HT. Thích Thanh Từ

Giảng tại Thiền viện Chân Không - 1998

Xả bỏ là tu, còn cố chấp là chưa biết tu. Thế gian do cố chấp nên người nào cũng thấy sống trong gia đình không có hạnh phúc. Ðã cố chấp thì làm sao hạnh phúc được? Chồng chấp theo chồng, vợ chấp theo vợ, cha chấp theo cha, con chấp theo con, thành ra không ai thông cảm ai.  

Vấn đề tôi nói hôm nay là một chữ XẢ. Quí vị biết ngược với xả là gì không? Là cố chấp, nắm chặt. Cố là chặt, chấp là nắm; cố chấp là nắm chặt. Khác với nắm chặt là buông bỏ.

Mới nghe đơn giản quá nhưng xét kỹ, quí Phật tử sẽ thấy tất cả chúng ta sống trên thế gian này, ai cũng than buồn than khổ, gốc tại cố chấp thôi, chớ không có gì khác. Bây giờ muốn hết buồn, hết khổ thì chúng ta phải làm sao? Phải xả, phải buông bỏ. Buông bỏ thì hết khổ. Như vậy quá giản đơn, quá tầm thường. Chỉ cần quí Phật tử thực hiện được điều chúng tôi nhắc thì sẽ bớt khổ ngay trong cuộc sống hiện tại này.

Lâu nay chúng ta cố chấp những gì mà bây giờ phải buông xả? Trước hết là chúng ta cố chấp những điều phải, quấy. Thường thường ở thế gian ai cũng nghĩ điều mình nói, mình làm là phải nhưng người khác nói ngược lại, làm ngược lại thì cho là người khác quấy. Mình phải họ quấy mà họ không chịu nghe, không chịu làm theo mình, nên mình giận. Nhất là trong gia đình, cha mẹ thấy điều đó phải mà bảo con cháu không chịu làm theo thì nhất định là giận. Mà giận là vui hay buồn? Giận là buồn, buồn rồi khổ. Có một Phật tử nói với tôi thế này:

- Con cháu của con bây giờ khó dạy quá!

Tôi hỏi:

- Sao đạo hữu nói khó dạy?

- Thưa Thầy, mình là cha nó mình hớt tóc ngắn. Mình thấy hớt tóc ngắn dễ chịu, mát mẻ. Bây giờ nó để tóc tới cổ mà rầy nó không chịu nghe. Nó còn nói: "Bây giờ thanh niên ai cũng để tóc dài mà ba biểu hớt ngắn, giống ông già quá, sao con làm được." Chúng nó còn nhỏ mười chín, hai mươi tuổi mà đeo kính trắng, mình rầy nó: "Bộ mày mù sao mà đeo kính?" Nó nói: "Ba không thấy sao, người trí thức họ đeo kính trắng. Con lớp mười hai rồi, con trí thức rồi, con đeo kính trắng có sao đâu?!"

Ðó, ông than con cháu ngày nay dạy không được. Quí vị thấy thế nào? Bởi vì thường lúc nào chúng ta cũng có cái nhìn theo quan niệm của mình. Quan niệm của mình như vậy là phải, con cháu không chịu nghe theo thì mình giận, cho nó là quấy, là con ngỗ nghịch, con bất hiếu v.v... Khi đã như vậy rồi thì gia đình còn đầm ấm không, còn vui không? Tôi mới giải thích cho Phật tử đó nghe:

- Ðạo hữu nhớ như ở lứa tuổi của tôi, ông thân tôi hồi xưa để tóc bới có một củ tỏi phía sau. Tới chừng lớp của tôi lớn lên thì hớt tóc, ông tôi không vui. Ông nói bọn nhỏ văn minh quá, không có theo ông bà và dẫn sách Nho nói: "Thân thể phát phu thọ ư phụ mẫu, bất thương cảm hiếu chi thỉ giả." Nghĩa là râu tóc da thịt này là nhận nơi cha mẹ, gìn giữ nó đừng cho thương tổn là cái hiếu đầu. Bây giờ mình cạo nó là bất hiếu rồi. Như vậy ông già nhìn lại mình hớt tóc thì ông già buồn, còn mình nhìn lại ông già thì thấy ông già lạc hậu phải không? Thế thì ai đúng? Ðể tóc bới đúng hay hớt ngắn đúng? Nếu hai bên cứ cố chấp, ông già nghĩ ông già đúng, người con nghĩ người con đúng thì gia đình có bình an không? Chắc là bất an.

Chúng ta phải hiểu thời xưa học theo Nho giáo thì để râu để tóc là phải. Nhưng thời sau này khác hơn vì nước mình lệ thuộc Pháp, người Pháp đi làm việc hớt tóc ngắn cho sạch sẽ mà mình cứ bảo như ông già để tóc, vậy thì lạc hậu mất rồi. Ở lứa tuổi của mình ai chấp nhận như thế? Cho nên người cha phải thông cảm hoàn cảnh của con, người con phải hiểu hoàn cảnh của cha. Hai bên thông cảm nhau đừng cố chấp thì bớt khổ. Nếu cố chấp là nhất định khổ. Cha bất bình con, con bất mãn cha, cứ như vậy sanh ra chuyện rối rắm trong gia đình.

Rồi đến thời này mấy đứa nhỏ để tóc dài, có khi tới cổ thì mình không chấp nhận? Mình để tóc ngắn mát mẻ, còn nó để dài lù xù nhưng nó lại thấy đẹp. Nếu đem cái nhìn của người cha mà trách đứa con thì đứa con cũng nhìn lại người cha bằng cặp mắt lạc hậu. Bây giờ phải xử làm sao? Thôi, ba muốn mát mẻ ba hớt ngắn, con thích để dài cho đẹp thì con cứ để dài. Chuyện tóc tai, mỗi người mỗi sở thích riêng, bắt nó giống mình sao được?

Quí Phật tử nhớ, một lứa tuổi là qua một thế hệ khác nhau, không giống nhau được. Không giống mà mình đem ý của mình, cái phải của mình áp đặt cho nó thì nó không chịu. Mà không chịu thì sanh ra giận hờn, buồn trách, khổ sở. Vậy thì muốn cho hết khổ mình đừng cố chấp, phải buông bỏ. Buông nghĩa là xả. Quan niệm của con thì con làm, quan niệm của ba thì ba giữ. Phần ai nấy giữ, người này đừng áp đặt người kia. Như thế chúng ta sống rất là thoải mái, nhẹ nhàng. Còn nếu mình cố chấp thì sống bực hoài, lúc nào cũng bất như ý. Như nó thích mang kính trắng thì để nó mang, mình không thích thì thôi. Chớ mình không thích mà bắt nó theo mình sao được? Ðó là quan niệm của mỗi người, miễn làm sao con biết kính trọng, thương cha, cha thương con là đủ. Tình thương mới là quan trọng, còn những cái bên ngoài đâu có quan trọng.

Vậy mà nhiều người vì cố chấp hình thức bên ngoài làm cho mất hết tình nghĩa trong gia đình, khiến cha con phiền muộn, vợ chồng không vui với nhau. Ðó là tại cố chấp. Quí Phật tử nghĩ mình xả bỏ, đừng cố chấp có bớt khổ không? Còn cố chấp như câu chuyện tôi vừa kể khổ không? Lúc nào cũng buồn bực. Vì vậy cha mẹ nên thông cảm với con, con thông cảm với cha mẹ. Mà muốn được thông cảm thì hai bên đều xả, xả cái phải của mình thì thông cảm. Ngược lại, nếu không chịu xả, tự nhiên là khổ.

Ðó là nói về lứa tuổi giữa người lớn và người trẻ. Còn nếu vợ chồng mà cố chấp thì sao, có khổ không? Như bên phái nữ lâu nay quen rồi, nào là lọ tương, hũ tiêu, hũ ớt v.v... Những cái nhỏ họ coi chừng từng chút để nấu nướng. Còn người đàn ông đâu có để ý đến những thứ đó, mà họ nghĩ chuyện xã giao bên ngoài người này người nọ. Cho nên người chồng vì xã giao bạn bè nhiều, thành ra chi phí hơi rộng. Người phụ nữ chỉ lo chi tiết nhỏ trong nhà nên tiết kiệm, thấy chồng xài lớn một chút thì càm ràm. Còn chồng thấy vợ keo kiệt, nhỏ nhít quá cũng không bằng lòng. Như vậy vợ trách chồng lãng phí, chồng chê vợ keo kiệt. Ðã thế thì gia đình có vui không? Không bên nào bằng lòng bên nào hết! Vì ai cũng nghĩ mình đúng.

Như vậy nếu người vợ bắt người chồng phải theo ý của mình, ngược lại người chồng bắt vợ phải theo ý của mình thì gia đình đó nhất định cãi lộn hoài. Nếu hai bên chồng và vợ cảm thông nhau, người chồng nghĩ rằng cô ấy lo chuyện bếp núc cho nên quen cái nhỏ nhặt, hũ tương, hũ ớt v.v... thành ra xài lớn cô không đồng ý cũng phải. Còn vợ thông cảm cho chồng, bởi vì anh ấy làm bên ngoài, giao thiệp kẻ này người nọ thì phải rộng rãi một chút người ta mới vui. Nếu bắt chồng hẹp hòi quá thì bạn bè khi, không chơi với mình, như vậy tội nghiệp. Hai bên thông cảm thì gia đình sống sẽ vui, không chống chọi nhau. Ðó là tôi nói những việc nhỏ thôi, còn những việc lớn khác nữa, quí vị nghiệm xét rồi thông cảm, hiểu biết nhau đừng cố chấp, cố chấp thì khổ.

Như vậy xả bỏ là tu, còn cố chấp là chưa biết tu. Thế gian do cố chấp nên người nào cũng thấy sống trong gia đình không có hạnh phúc. Ðã cố chấp thì làm sao hạnh phúc được? Chồng chấp theo chồng, vợ chấp theo vợ, cha chấp theo cha, con chấp theo con, thành ra không ai thông cảm ai. Mà không thông cảm thì tự nhiên là phải buồn phải khổ. Bây giờ mỗi người tự xả bỏ cố chấp của mình để thông cảm với những người thân thì tự nhiên gia đình an vui hạnh phúc. Ðó là bước thứ nhất xả chấp phải, chấp quấy theo quan niệm của mình.

Ðến thứ hai nữa là xả oán hờn. Người thế gian luôn luôn nghĩ ai làm trái ý mình thì mình buồn, mình giận. Buồn giận nên bỏ liền hay nên giữ mãi? Có người thường hay nói: "Con giận người đó hai, ba chục năm không quên." Giận hai, ba chục năm không quên thì nghe như khẳng khái lắm nhưng thật ra là dại, là khổ, chớ có hay gì đâu.

Quí Phật tử nghĩ trên thế gian này chung quanh mình nào xóm giềng, thân tộc v.v... có bao giờ hoàn toàn không đụng chạm nhau đâu? Người ta nói vợ chồng như chén trong sống. Chén úp trong sống thế nào cũng có khua, huống là xóm giềng, thân tộc làm sao vừa ý mình hết, mà trái ý thì mình giận. Giận rồi chứa trong tâm. Chứa là cố chấp. Giận một người chứa trong lòng, giận hai người cũng chứa trong lòng. Nếu giận một trăm người thì sao? Chứa cả một trăm cái giận trong lòng, làm sao chịu nổi.

Quí vị xét khi mình đang vui vẻ mà bỗng nhớ tới người mình giận thì lúc đó gương mặt quạu xuống liền. Sở dĩ chúng ta ngủ không ngon là cũng tại giận đó. Khi nào nằm nhớ lại hôm qua, hôm kia ai làm trái ý mình liền nổi giận lên, thì hết ngủ. Ðó là chứa chấp oán hờn. Chứa chấp là khổ. Ta đang vui vẻ tươi mát mà chứa một cái giận, cũng như đem cục than bỏ trong tay hay trong da, trong thịt mình vậy. Nếu cục than bỏ trong tay, trong da, trong thịt thì sao? Nóng, khó chịu. Vậy mà lòng mình chứa một trăm cục than thì người này khổ nhiều ít? Khổ thứ nhất là khô héo vì ngủ không ngon, ăn không ngon. Giận quá làm sao ăn ngon, ngủ ngon được. Khổ thứ hai là giận làm cho mình dễ xấu. Quí vị thấy mỗi lần nổi giận lên gương mặt mình thế nào? Nổi giận lên thì con mắt đỏ ngầu, mặt đổi màu đổi sắc, không còn tốt đẹp nữa. Cả trăm cái giận ở trong lòng thì nó đốt riết mình khô héo, xấu xa. Như vậy ôm ấp cái giận mấy chục năm là khôn ngoan hay thiếu khôn ngoan?

Bởi vậy nên người biết tu ai nói gì trái ý, mình giận chút rồi bỏ đi, xả đi. Giận làm chi, ngu! Ôm cái giận là ngu chớ không phải khôn, tội gì ôm cho khổ. Trong nhà Phật có câu: "Tăng hận bất cách túc" nghĩa là Tăng (người tu) giận không quá một đêm. Chúng ta là Phàm tăng nên tham sân si cũng còn, vì vậy gặp việc trái ý cũng giận. Nhưng giận chút thôi rồi bỏ, chớ không nên chấp chứa.

Người thế gian thường thích chứa, chứa năm này qua năm nọ. Họ tưởng như vậy là hay, là khôn mà không ngờ đó là tự chuốc họa vào mình, tự đeo khổ cho mình chớ không có lợi gì hết. Vì vậy nên Phật dạy phải xả hết những giận hờn. Chứa chấp vừa bị khổ trong hiện tại, mà còn khổ cả vị lai nữa.

Trong kinh Phật dạy, người khi sắp bỏ thân này qua đời khác thì nghiệp thương và nghiệp ghét sẽ đi theo. Bởi vì thương ai thì ta nhớ người đó, ghét ai cũng nhớ kẻ đó. Như chúng ta ngồi ôn lại trong lòng, thì nhớ những người mình thương và những người mình ghét nhiều nhất phải không? Ghét không mất, thương cũng không mất. Vì vậy càng chứa sâu thì khi nhắm mắt các nghiệp đó dẫn mình đi đến chỗ thương hoặc chỗ ghét.

Do đó khi chúng ta thọ thân sau, nếu ôm ấp nghiệp ghét nhiều quá thì đến những gia đình gặp toàn chuyện buồn phiền, hờn giận, không vui. Có bao giờ chúng ta muốn gặp những người mình ghét không? Không muốn. Ai cũng muốn gặp người mình thương. Nhưng trong lòng thù oán nhiều quá thì nó sẽ dẫn mình gặp lại những người thù oán. Nên hiện tại khổ mà vị lai cũng khổ luôn. Ðiều này rất thiết yếu.

Chúng ta phải khéo đừng nuôi dưỡng oán thù trong lòng, nên buông bỏ hết. Cái gì qua rồi không chứa chấp nữa. Hơn thua, phải quấy, chuyện đó không có gì quan trọng. Quan trọng ở chỗ làm sao cuộc sống mình bình an, thanh thản, tươi vui. Ðó mới là điều đáng lưu tâm. Chúng ta sống muốn hạnh phúc, muốn được an lạc thì nên giữ hay nên xả? Nên xả. Vì vậy tôi nói tu muốn cho hết khổ thì phải xả, đừng chứa chấp. Ðó là điều thứ hai.

Ðiều thứ ba, chúng ta đừng cố chấp ý kiến mình là đúng, ý kiến người khác là sai. Bởi vì ở thế gian này không có gì là đúng cố định mà cũng không có gì là sai cố định. Chúng ta mở miệng nói với ai cũng "Tôi nghĩ thế này là đúng". Nếu nói tôi nghĩ như vậy là đúng, người thứ hai nói tôi nghĩ thế khác mới đúng, thì hai cái đúng nó đụng nhau. Mình đúng theo cái nghĩ của mình, người khác đúng theo cái nghĩ của họ. Ai cũng đúng hết thì cãi lộn hay huề? Thế gian không ai chịu thua ai, mình đúng thì người khác sai, mà người khác đúng thì mình sai. Cho nên khi người ta nghĩ khác với mình, mà họ cho rằng họ đúng thì mình bực lên liền, và người kia cũng nổi tức vậy. Hai cái nổi tức sẽ đi đến khẩu chiến. Khẩu chiến không xong thì tới thân chiến.

Quí vị thấy những người cãi nhau, đánh nhau khi được hỏi: "Tại sao quí vị đánh nhau?" Họ nói: "Tôi nói cái này đúng mà nó cứ cãi hoài." Có khi nào hai người cãi lộn mà chúng ta hỏi "tại sao", họ nói "tại tôi sai" đâu. Nhất định là đúng. Hai cái đúng không giống nhau thì nhất định cãi lộn, cãi lộn không xong thì tới đánh lộn. Như vậy thì khổ hay vui? Không bao giờ vui được. Những điều này xảy ra rất nhiều.

Gia đình vợ chồng, mỗi người thấy một lối, ai cũng cho là đúng thì gia đình đó cãi lộn hoài. Trong xã hội, nhóm này thấy thế này là đúng, nhóm kia thấy thế khác là đúng thì cũng gây ra cuộc đấu chiến. Cả trên thế gian đều như vậy. Nếu cố chấp cái nghĩ của mình đúng, cái nghĩ của người khác sai là gốc của đấu tranh, của tiêu diệt nhau. Cho nên chúng ta đừng có cố chấp. Cái đúng này là đúng của tôi, cái đúng kia là đúng của anh. Mỗi người giữ phần của mình, cãi nhau làm chi. Vậy là yên.

Xả hết cố chấp, đừng bắt người khác phải nghĩ, phải thấy như mình mới đúng. Ðó là điểm đặc biệt của đạo Phật. Trong đạo Phật có câu: "Phật hóa hữu duyên nhân", đức Phật giáo hóa người có duyên với Ngài mà thôi. Ai có duyên thì đến với Phật, chớ Phật không nói đạo Phật là đúng, đạo khác là sai. Theo đạo nào cũng tốt. Mình thích đạo Phật vì đạo Phật thích hợp với tâm tư nguyện vọng của mình nên mình theo, người khác không thích thì thôi. Chúng ta không nên nói theo đạo Phật chết được về Cực lạc, còn theo đạo khác chết nhất định đọa địa ngục. Không nên như vậy.

Trong kinh Phật nhất là các bộ A-hàm, Phật thường nói: "Người tu theo đạo Phật làm lành, tu Thập thiện được phước sanh cõi trời. Người không tu theo đạo Phật mà làm mười điều lành cũng được sanh cõi trời." Không phải cõi trời chỉ dành cho người tu theo đạo Phật. Bởi vậy người không tu theo đạo Phật mà làm lành, làm tốt họ vẫn có phước. Mình tu theo đạo Phật mà mình làm xấu làm ác thì mình cũng bị tội như thường. Chúng ta mới thấy rằng chủ trương của đức Phật rất rõ ràng, rất thấu đáo. Phật không bắt ai phải theo mình dù biết rằng làm như vậy là tốt, là có lợi. Nếu người ta không thích thì thôi, không ép buộc.

Chúng ta học Phật phải tập tâm cởi mở, xả bỏ những cố chấp riêng tư, dù chấp tôn giáo mình cũng là bệnh nữa. Những gì chúng ta thấy đều do Phật dạy, mình biết mình tu. Ai thấy hợp thì tu theo, còn thấy không hợp thì thôi, ta chỉ cười chớ đừng giận. Ðạo mình kính trọng mà nghe ai nói ngược lại, mình nổi sùng lên thì chưa gọi là hiểu đạo. Không cố chấp thì cuộc đời an vui, hạnh phúc, sống với mọi người rất hòa nhã.

Ðiều thứ tư là Phật dạy xả đừng chấp thân của mình nữa. Quí vị thấy dễ hay khó? Xả mấy điểm kia thì còn khả dĩ, xả chấp thân mình thì hơi khó. Tôi hỏi quí vị trong tất cả cái sợ của mình hiện giờ, cái sợ nào là số một? Sợ chết là số một. Tại sao mình sợ chết? Vì cố giữ thân, cố chấp thân, nên nghe nói mất đi thì hoảng sợ. Do đó khi cái chết đến mình khổ vô cùng.

Chúng ta xét kỹ thân của mình, ai cũng muốn cho nó được tròn một trăm năm. Hồi xưa còn tham hơn nữa, hàng quần thần chúc vua chúa đến Vạn tuế, tức là muôn năm. Chúc muôn năm, mà có ông vua nào sống được muôn năm đâu. Mấy ông còn chết sớm hơn ai hết. Như vậy để thấy lòng tham sống của con người quá lớn. Bởi tham sống cho nên chết là cái khổ nhất.

Nếu người không tham sống thì chết có khổ không? Ðâu có khổ vì họ đâu có sợ. Nên quí vị cố chấp thân, muốn giữ cho nó lâu dài, mà lỡ nó bại hoại thì đau khổ vô cùng. Thân mình đâu có nguyên vẹn từ thỉ chí chung, mà nó đổi thay từng tháng, từng ngày. Như vậy muốn nó còn hoài, chẳng khác nào mình nắm một cục nước đá trong tay mà muốn nó đừng tan. Thân này cũng vậy, luôn biến chuyển từng phút giây. Ðó là nói bình thường, còn nói theo khoa học là nó sanh diệt từng tế bào. Lúc nào, phút nào cũng sanh sanh diệt diệt, không dừng. Sanh diệt luôn luôn mà bảo nó còn hoài làm sao được. Chấp như vậy có phải là ảo tưởng không? Ảo tưởng sai lầm mà chúng ta cứ chấp giữ, cho nên khổ vô cùng.

Vậy mà trăm người như một, ai cũng muốn giữ thân lâu dài. Nhiều khi bảy, tám mươi tuổi vẫn muốn sống hoài, không muốn chết. Muốn giữ hoài mà có giữ được đâu. Giữ không được thì khổ hay vui? Người lớn tuổi nào cũng thở dài than vắn, khổ quá! Già yếu bệnh hoạn, khổ quá!

Thật ra già yếu, bệnh hoạn có khổ không? Có gì đâu mà khổ, nó là như vậy. Hết thời ấu niên đến thời tráng niên, hết thời tráng niên đến thời trung niên, hết thời trung niên đến thời lão niên. Cứ thế mà đổi dời. Nên khi trẻ mình vui với tuổi trẻ, lúc già mình vui với tuổi già. Mai mốt chết thì cười với cái chết, sướng không? Chớ ngồi đó mà than, ai cứu mình được. Không ai cứu được thì than hoài làm chi cho khổ vậy? Cứ cười vui. Ờ! Già tốt. Nếu đi hai chân không vững thì thêm chân thứ ba nữa. Cứ như vậy mà chống gậy, có gì đâu phải buồn. Xả được cố chấp thì vui, còn nếu giữ thì khổ. Lẽ thật là như vậy.

Con người sợ chết nhưng có giữ cho khỏi chết được không? Nếu giữ được thì cũng nên sợ. Giữ không được thì cứ cười vui cho rồi. Quí vị nghĩ nếu lát nữa chết, chúng ta sẽ có cái gì vui? Hiện tại mình biết hết các việc trên thế gian rồi, biết sự sống này rồi. Người ta nói đi du lịch vui chơi đó đây là tới những chỗ mình chưa biết, còn những chỗ nào biết rồi, đi chán lắm. Chúng ta đã ở trên thế gian mấy chục năm, chán quá rồi. Bây giờ đi tới chỗ khác chơi cho vui thì sợ gì. Khi sắp chết, mình tự nghĩ ta sẽ biết thêm một chỗ mới nữa. Vậy là vui chớ không sợ. Chúng ta sống vui với cái sống, chết cũng vui với cái chết, như vậy là an vui, tự tại.

Người không sợ chết thì chết không phải là khổ. Sở dĩ khổ là vì người ta chấp chặt phải sống, sống chừng nào cũng được, sống hoài. Chấp chặt vậy cho nên lỡ ai coi tuổi hoặc bắt mạch nói bệnh sắp chết liền quên ăn, quên ngủ. Nếu hiểu được lẽ thật thì chết là vui thôi. Ờ, tôi ở đây mấy chục năm chán rồi, đi chỗ khác chơi cho vui. Ðó, nghĩ vậy thì cứ cười mà đi, có tự tại không? Rõ ràng nếu buông xả cố chấp thì chúng ta an vui. Còn bám chặt giữ mãi thì chúng ta đau khổ.

Cuộc đời là một dòng biến chuyển từ ngoại vật cho tới con người. Nó biến chuyển mà chúng ta cố giữ thì có phải là si mê không? Cho nên Phật nói người trí biết được vô thường biến chuyển nên không khổ. Còn người ngu, đối với vô thường biến chuyển mà muốn còn nguyên vẹn nên khổ. Bản thân mình nó phải biến hoại, phải mất; chúng ta biết rõ rồi cười với nó, không sợ, là chúng ta khéo tu.

Tu là như vậy, chớ không phải vừa mới bệnh liền chạy tới cầu Phật cho con sống được năm năm, mười năm. Phật tử bệnh tới chùa nhờ quí thầy cầu an. Quí thầy cầu cho Phật tử an, còn quí thầy không an thì cầu ai? Nếu tất cả người bệnh cầu đều được an thì không ai chết hết. Nhưng thật ra đâu có chuyện đó. Kỳ này cầu an là tại họ chưa chết, kỳ sau tới lúc chết thì cầu gì cũng chết thôi, cầu an cũng không khỏi.

Như vậy để thấy chúng ta tu là phải nhận ra lẽ thật của cuộc đời, thấy rõ được lẽ thật của bản thân mình. Ðừng lầm lẫn mới an vui, khỏi phải nhờ ai cầu gì hết, cũng khỏi cần coi tướng coi số làm chi. Cuộc đời là như vậy, không có gì phải lo. Năm mươi tuổi chết cũng tốt, bảy mươi tuổi chết cũng tốt, tám mươi tuổi chết cũng tốt, không sao hết. Tôi thường hay nói ai rồi cũng chết một lần, chớ có ai chết hoài đâu phải không? Thì thôi lúc nào tới thì đi một lần, chớ đâu có đi hoài mà sợ.

Phật dạy khi bỏ thân này, muốn có thân khác đẹp hơn thì phải tạo duyên tốt. Như giữ được năm giới trọn vẹn thì đời sau trở lại làm người đủ năm điều kiện tốt: Không sát sanh thì tuổi thọ dài. Không trộm cướp thì có nhiều của. Không tà dâm thì đẹp đẽ trang nghiêm. Không nói dối thì ngôn ngữ được lưu loát. Không uống rượu, xì ke ma túy thì trí tuệ thông minh. Nếu thiếu một trong năm giới thì đời sau bất hạnh một phần. Ai muốn đời sau được thân tốt đẹp hơn thân người thì tu Thập thiện.

Như vậy chết không đáng sợ mà chỉ sợ mình không chuẩn bị được khi mất thân này. Ðến lúc ngã ra chết không làm điều lành, không tạo phước đức thì chừng đó khổ hơn nữa. Cho nên biết tu thì trong cuộc sống hiện tại chúng ta được an vui tự tại, khi nhắm mắt chúng ta đã chuẩn bị cho đời sau được tốt đẹp hơn nên chúng ta càng vui, không có gì phải buồn sợ.

Cũng như mình đi chiếc xe cũ, lâu quá nó hư mòn, cứ đẩy hoài rất chán. Bây giờ mình dành dụm tiền, bỏ xe cũ mua xe mới đẹp hơn. Như vậy buồn hay vui? Nhưng muốn mua xe khác đẹp hơn thì phải chuẩn bị tiền. Chuẩn bị trước rồi mới bỏ xe cũ mua xe mới được. Chớ không chuẩn bị thì xe cũ bỏ rồi, không biết làm sao mua xe mới. Cho nên người biết tu là người biết lo xa, biết chuẩn bị sẵn; bỏ thân này qua thân khác khỏe hơn. Ðó là bước tiến của người tu.

Như vậy chỉ một chữ Xả mà chúng ta được an ổn vui tươi. Cần gì phải nhiều. Một chữ mà biết tu là cả cuộc đời sống thoải mái, an vui. Ngược lại quí vị sẽ thấy mặt mày nhăn nhó hoài, bất mãn cái này, bất mãn cái nọ, bất mãn con cái, bất mãn vợ chồng, bất mãn xã hội... Mấy chục năm cứ nhăn nhó hoài, uổng một cuộc đời. Cho nên mình phải vui tươi xả bỏ, có mấy mươi năm ngắn ngủi, sống làm sao cho thảnh thơi, tạo phước lành để khi nhắm mắt được đến cõi lành, ở đó mà buồn giận làm chi cho khổ.

Vậy mong quí Phật tử nghe hiểu, ứng dụng tu để tất cả chúng ta sống trên thế gian này lúc nào cũng tươi cười, không còn buồn bực. Ðến lúc nhắm mắt ra đi chúng ta cũng vui luôn. Ðó là kết quả tốt đẹp của người Phật tử khéo tu.

--> Read more..

Pasta bó xôi




Mua gói pasta bó xôi ở Cường Dung, thử làm vài món xem mùi vị ra sao, để ít hôm bắt chước làm mấy món sợi bột trộn nước cốt rau bó xôi.
--> Read more..

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

Một ngày an lạc




Rằm tháng tư, thứ bảy, lễ Phật Đản. Tôi đã có được một ngày thư thái, theo đoàn phật tử trong xóm và quanh chợ Phú nhuận, đi Vũng Tàu, ...
--> Read more..

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

Đi chợ Cường Dung




Sáng chủ nhật đi mua hàng ở Cường Dung, đưa lên đây (vô tình quãng cáo free cho CD) để gợi ý cho bạn mình món pasta rau bó xôi, loại rau được đánh giá cao về dinh dưỡng. Ăn thử gói mì này rồi mình sẽ làm thử món bánh canh rau bó xôi, mì udon bó xôi chắc sẽ rẻ hơn nhiều. Và cho bạn xem gói cafe Đức Trọng đã có nhãn hiệu rồi.
--> Read more..

Thứ Năm, 3 tháng 5, 2012

Một mùa mơ đã qua




Mơ. Một cái tên trái cây rất đẹp. Phải chi có ai kể cho nghe vì sao mà trái ấy có tên này...
Hôm nay thì mùa mơ đã qua rồi. Đi ngang chợ không còn thấy những thùng mơ ...
Năm nào tôi cũng ngâm đường vài ký mơ. Tôi ko cân đường, mà cứ cho mơ vào hủ, đổ đường vào cho tới ngập. Một tuần sau chắt nước, trái bỏ đi (uổng quá). Năm nay tôi gọt bỏ hột, nấu trên lửa gaz vài phút với đường ở đáy hủ còn chưa tan, thành mứt mơ, rồi bỏ đá vào, uống cũng ngon lắm.
--> Read more..