Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2011

Văn Khoa của tôi

Ngày ấy,

 

Là đường đi học bằng xe lam từ bên kia cầu chữ Y, khi tôi còn ở nhà dì Bảy, qua Trần Hưng Đạo, xuống bến xe ở chợ Bến Thành, đi bộ đến Lê Thánh Tôn, qua Nguyễn Trung Ngạn, rồi Cường Để. Là Sài gòn những buổi sáng sớm, đường vắng, người, xe thưa thớt.

Là căn gác gỗ bên kia sông Thị Nghè, lúc tôi được Kim Liên rủ về ở cùng. Nơi đó, mấy nữ sinh viên cùng có cuộc sống chung vui vẻ : Kim Liên, Chín, Hoa Nhụy, Thu Nhân, Quế. Thỉnh thoảng, có bóng dáng của vài nam sinh viên, là Nghi Em, Hội, Vương huynh …. Có bạn Hồng Nga ở căn gác nhà đối diện. Lối vào nhà là con hẻm nhỏ, ở đó, có một đêm, dưới trăng khuya, bạn Hoa Nhụy khoác lên người chiếc áo blouse trắng của người yêu bên Đại học Y khoa, đi qua lại hoài dưới trăng, làm tôi xúc cảm viết nên bài thơ “Dưới trăng khuya”, chép vào tập tặng Thu Nhân, được Thu Nhân yêu thích, cất giữ suốt 40 năm, còn tôi thì quên mất.

Là cần xé bánh mì gà, của bạn Kim Liên bày ra, có lẽ học theo mùi vị của bánh mì gà Ba Lẹ đường Trần Hưng Đạo. Mấy chị em cùng nhau làm để lấy tiền đi chợ mua thức ăn chung. Sáng sớm bạn thì ra balcon (hình như là Kim Liên) thả dây kéo lên một cần xé bánh mì con cóc do một cậu nhỏ đi giao. Bạn thì quậy sốt mayonnaise xàn xạt xàn xạt (hình như là bạn Quế). Các bạn khác, Hoa Nhụy, Chín, Thu Nhân thì mổ bánh mì, cho vào các loại rau, ớt, thịt gà, nước sốt, nước tương, bao gói, xếp trở lại vào cần xé. Làm xong là vừa đến giờ đi học. Các bạn đi bộ, qua cầu Thị Nghè một đoạn là đã tới trường. Cái cần xé và Quế ưu tiên được bạn Kim Liên chở, vào trường giao bánh mì cho Hội quán. Tôi đã quên rất nhiều thứ, nhưng vẫn còn nhớ mãi chiếc xe mobilette cũ màu xanh biển của Kim Liên. Chúng tôi làm bánh mì bán nhưng dấu kín không để nhà chủ biết, dường như lúc đó chúng tôi sợ bị khinh là sinh viên nghèo. Nghe tiếng đánh sốt xàn xạt vào đúng 5 giờ mỗi sáng, gặp chúng tôi, mấy cậu con trai của chủ nhà hỏi : các chị đọc kinh gỏ mõ hả ? Chúng tôi cười : Ừ.  

Là những cuộc biểu tình sôi nổi mà chúng tôi sát cánh cùng nhau. Những đêm văn nghệ sinh viên rực lửa. Những khuôn mặt ấy tôi còn nhớ mãi, nhóm bạn mà tôi gần gũi nhất, ngoài mấy bạn ở cùng gác gỗ Thị Nghè, còn có Nghi Em, Tú Lộc, Thúy Liễu, có Hội, Ánh, Ảnh, Xẹt (lúc đó tôi hay cười thầm : nhóm này quá rực rỡ vì tên người toàn là ánh sáng).

          Là tiếng hát trong nhà giam, điểm tựa cho nhau của chúng tôi khi mới bị bắt vào. Lúc đó, tôi cũng hay hát, và cố gắng hát khi có thể, vì biết rằng, các bạn mới bị bắt vào, nghe tiếng hát quen, bài hát quen, tinh thần sẽ vững. Đó là tiếng hát mà Cỏ May đã nghe, đã yên lòng, vì dù phải tỏ ra là những người Văn khoa xa lạ, chúng ta vẫn tựa vào nhau để đứng vững bằng những câu hát ấy. 

 

Bây giờ,

          Tôi nhớ về Văn Khoa, là nhớ về tuổi trẻ của tôi, thời kỳ đẹp nhất của cuộc đời mỗi chúng tôi. Chúng tôi đã sống hết lòng với nhau, khi học tập và trong đấu tranh, thật trong trẻo, có người so sánh : “như pha lê”.

Chúng tôi đã già, sau mấy mươi năm làm việc, sau những được mất của một đời người. Không ít bạn đã qua đời, trong nỗi tiếc nhớ của bạn bè. Có bạn đề huề hạnh phúc cùng gia đình, con, cháu. Có bạn đơn độc giữa đời. Có bạn thuận lợi, khá giả, có bạn khó khăn, vất vả mưu sinh. Có nhiều bạn luôn tìm cách gặp gỡ, gắn bó, giúp đỡ nhau. Có bạn ít khi gần gũi. Nhưng có lẽ chúng tôi có chung ý tưởng mong muốn gặp lại nhau, nương tựa nhau về tinh thần trong những ngày còn lại của đời mình. Với nhau, chúng tôi cũng sẽ hết lòng, cũng sẽ trong trẻo như xưa vậy.

Bây giờ, chúng tôi đã trọn vui chưa ? có lẽ không thể có câu trả lời giống nhau ở mỗi chúng tôi, khi nói về cuộc đời riêng, hay xã hội chung.

Đối với tôi, cuộc sống, đất nước, còn quá nhiều chuyện không vui. Làm sao mà vui trọn được.

--> Read more..

Thứ Bảy, 9 tháng 7, 2011

Mùa vải

Đã 13 năm rồi. Cứ đến mùa vải là nhớ Sáu vô cùng. Sáu là mẹ nuôi tôi từ khi tôi còn là một đứa trẻ 10 tháng tuổi, như nuôi trẻ mồ côi vậy, ở một tỉnh miền tây, cách Sài gòn hơn 300 cây số.

Ở với Sáu, tôi có một tuổi thơ sung sướng lắm, cho tới 18 tuổi, đậu tú tài xong lên Sài gòn học Văn khoa, tôi chưa từng nấu một bửa cơm, rửa một cái chén, quét nhà một lần nào. Tôi đi học, rồi đi làm, một năm về quê thăm Sáu vài lần. Mỗi lần về lại được Sáu lo ăn uống, tiền cho thêm, đồ ăn thịt cá cho đem theo (thuở còn bao cấp, thiếu thốn).

     Khi tôi học, rồi tham gia phong trào ở Văn Khoa, Sáu lo lắng sợ tôi bị tù đày, sợ mất tôi. Sáu rất buồn, nhưng không can ngăn gì, chỉ nhắc chừng tôi phải cẩn thận.

Khoảng tháng 6, mùa vải 1998, đứa em họ gọi điện thoại : Sáu bệnh chị à. Tôi đưa Sáu vào bệnh viện Bình Dân, nhập viện, xét nghiệm nói là  u tụy. Tôi đem kết quả cho bạn là bác sĩ Quang xem. Quang nói : 90% u tụy là ung thư, thời gian sống từ 3 đến 6 tháng.

Quá bất ngờ, tôi khóc mờ mịt trên đường chạy xe từ bệnh viện 175 về nhà dì Bảy (em ruột của Sáu) ở bên kia cấu chữ Y. Vào nhà Bảy rồi, tôi vẫn còn chưa nói được nên lời, cứ đứng bên vách bếp mà nức nở. Bảy chờ mãi rồi phải hỏi : cái gì nói  cho Bảy biết đi. Bảy nghe rồi cũng khóc.

Thật bình tĩnh rồi tôi mới dám vào bệnh viện. Bệnh án ở đầu giường ghi K tụy. Bé, em họ tôi ở nuôi Sáu, xé mụn giấy nhỏ dán che lên chữ K. Không biết Sáu đã đọc chưa, nhưng Sáu không nói năng gì về bệnh của mình. Sau này, Bé nói chắc là Sáu biết bệnh của mình, rồi nhà giấu Sáu, Sáu cũng giấu nhà. Những ngày cuối, đút ăn, đưa thuốc uống, Sáu thường nói : thôi, để cho tao đi.

Giờ này chắc là Sáu đã siêu thoát rồi. Ngày mất của Sáu là 27 tháng 9 âm lịch, sau gần bốn tháng đau đớn thân xác. Những ngày nằm Bình Dân, mổ lấy u ra, nối ống mật thẳng vào ruột non. Sau đó Sáu ăn uống kém hẳn. Biết Sáu ưa trái vải, dù cuối mùa rồi, giá đắt gấp mấy lần, tôi vẫn hàng ngày, đi ngang chợ Nancy mua một chùm mang vào bệnh viện. Không ăn được cơm, nhưng Sáu ăn hết vải.

Vì vậy mà tới mùa vải là tôi ngậm ngùi nhớ Sáu.

--> Read more..

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Một ngày của tôi

Sáng nay thạch thảo nở nhiều, tới những mười bông màu tím nhẹ đong đưa. Hai hoa hồng nở một bông vàng tươi một đỏ thắm. Cách đây một tuần, lan can trước phòng tôi là một dãy ngũ gia bì, mùi lá thơm nhè nhẹ. Nhưng ngắm hoài cũng chán. Tôi thay vào một bình thạch thảo, bốn chậu hồng bốn màu. Mới mấy ngày thôi mà tôi đã được thưởng công rồi. Thật là một niềm vui mỗi sớm mai thức dậy bước ra vươn thở, ngắm dãy hoa, thấy mỗi bông như một nụ cười tươi.

Ăn sáng một mình vì Thảo Nguyên nghỉ hè thường ngủ muộn. Một đĩa xôi lá cẩm trộn hạt bắp nếp, rắc nhiều mè rang và đậu phộng. Một tách cà phê sữa nóng thêm mùi rượu Balley, uống từng ít một, ngậm một chút để giữ mùi thơm ngát. Hương cà phê quyến rũ đến mức tôi nói đùa với bạn : “Tối đi ngủ mình trông cho mau tới sáng để … uống cà phê !”.

Phòng tập dưỡng sinh hôm nay đông vui quá, chiếu trãi kín mít không còn chỗ nào trống. Nữ nhiều hơn nam, có lẽ vì chị em mình yêu thân mình và yêu đời hơn. Tôi “xí” chỗ ở ngay cửa ra vào, vì muốn thoáng và thích nhìn vòm cây xanh mát ngoài sân. Tôi hỏi một chị : Chị ơi chị tập lâu chưa ? – Mười năm rồi !. – Chị thấy khỏe không ? – Khỏe chứ ! – Em nằm gần chị để em học chị nghe, em mới tập. Chị cười, tâm sự liền : Tôi bệnh ung thư và tiểu đường. – Chị mổ chưa ? – Rồi. – Bao lâu rồi hả chị ? – Mười năm. – Vậy là ổn rồi chị ơi, mười năm là khỏi bệnh rồi. Người chị rất dẽo, các động tác đều thành thạo. Những động tác mới tôi nhìn theo chị để làm theo. Buổi tập xong rồi, chúng tôi còn ngồi với nhau trên ghế đá trong sân, dưới bóng cây sứ, kể chuyện bệnh chuyện tập, dặn nhau ngày mốt nhớ đi tập nữa.

Trên đường về, tôi ghé Báo Tuổi trẻ để gửi một số tiền (của các cụ ông cụ bà trong khu phố chung lại) cho quĩ Góp đá cho Trường Sa, gọi là một việc làm nhỏ đóng góp cho tiền tuyến Biển Đông.

Ăn trưa gì đây, bột đã nhồi sẵn cất trong tủ lạnh, lấy ra nặn nặn thành hai cái pizza. Của Thảo Nguyên bánh lớn 2 tấc rưởi, chỉ có sốt cà và nhiều phô mai. Của tôi chỉ 1 tấc rưởi nhưng nào là sốt cà, ít phô mai thôi, lá thơm, cá ngừ, hành tây, cải đỏ, ớt chuông …, đến khi ăn còn rưới thêm sốt ớt xanh. Ôi ngon quá.

Niềm vui thứ 6 đây chăng : ngủ trưa xong là ngồi vào máy tính, đọc báo xong rồi là gặp nào là Người Văn Khoa, Thu Nhân, Gió và các bạn của hai người này, rồi là Gia Minh, là Cỏ May, ôi thật là vui quá. Sau đó còn dạo các bếp Khai Tâm, Lê Lan, Hoa Dím, Hua Bin … Niềm vui này có lẽ kéo dài đến trước khi đi ngủ đấy.

--> Read more..

Chủ Nhật, 3 tháng 7, 2011

Mẹ và con

Tôi lập gia đình muộn, lúc đã nhiều tuổi cũng không có nhiều cơ hội để dễ dàng có được đứa con. Phải thuốc men, đi lại biết bao nhiêu lần ở khoa điều trị vô sinh, ở bệnh viện T, ở phòng mạch tư của một vài bác sĩ. Phải chịu sẩy đôi lần. Nhưng tất cả những chuyện ấy đều không có ý nghĩa gì so với niềm hạnh phúc được làm mẹ mà tôi luôn ước , khao khát.

 

Con ra đời, với nụ cười của bác sĩ T. Đ., còn vui hơn mẹ: “ Đó, con là cái trứng cuối cùng của mẹ con đó”.

Vậy là, cuối cùng, mẹ đã có con, là điều tốt đẹp nhất trong đời mẹ, và cũng là điều kỳ diệu nữa. Con lớn lên, khoẻ mạnh, suốt 12 tháng đầu đời không tốn viên thuốc nào. Con chỉ đau ốm khi bắt đầu đi trẻ, xa mẹ.

Tên con là Thảo Nguyên. Vì ngôi nhà nhỏ màu trắng của gia đình chúng ta ở giữa cánh đồng rộng mênh mông trồng hoa lài, thơm ngát và xanh ngắt như đồng cỏ, làm mẹ nghĩ đến bộ phim “Ngôi nhà nhỏ trong thảo nguyên”. Vì mong ước khi lớn lên, con là đứa con hiền thảo.

 

Nhà chúng ta đơn chiếc, ba và mẹ đi làm, vừa công tác chuyên môn, vừa làm phong trào, đoàn thể, lại còn đi học thêm, thường hay về trễ, thường đi công tác xa nhà. Cuối buổi học, con được cô giáo, cô bảo mẫu tha về nhà cô, đợi ba mẹ đến đón, có khi đến 9, 10 giờ khuya. Những mùa nghỉ hè, con ở với bà ngoại Bảy khi ngoại còn sống. Ngoại không còn, khi thì con ở nhà cô bảo mẫu, rồi ở nhà ngoại Thu, khi thì mẹ gởi con mỗi mùa một nơi ở Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang … Mỗi lúc con về con kể rằng đã thương nhớ mẹ, đã lén khóc mà không để ai nhìn thấy, khi mỗi đêm vào giường ngủ. Con nói với mẹ “mẹ ơi sao nhà mình không giống nhà người ta hả mẹ?” ; “không giống chỗ nào con?” ; “chỗ con không được ở nhà của mình, cứ phải ở nhà của người khác”.

Vì vậy, khi sắp nghỉ hưu, mẹ nhất quyết yêu cầu được nghỉ trước 3 tháng để ở nhà với con, là những tháng con nghỉ hè. Mẹ dự tính thiết kế một mùa hè đầu tiên của mẹ và con bên cạnh nhau, để con được ở nhà của mình, đi chơi cùng với mẹ.

Nhưng con lại phải đi An Giang ở nhà dì sáu, vì mẹ phải vào bệnh viện suốt mấy tháng hè, với hồ sơ bệnh án là ung thư gan. Đối diện với cái chết thật gần, điều mẹ nghĩ trước tiên là con của mẹ. Con còn bé quá, mới mười tuổi đầu, con sẽ sống  ra sao khi không còn có mẹ?

Không được vào thăm mẹ, lại bị dì sáu dấu, nói rằng mẹ đi công tác xa, về sau con kể lại rằng con cố rình nghe lén dì sáu nói chuyện qua điện thoại, biết rằng mẹ bị đau gan, chuẩn bị mổ, con gọi điện cho mẹ, khóc nói rằng “mẹ nói với bác sĩ mổ cho mẹ là con sẽ cho mẹ nửa lá gan của con”.

Khi đã chắc chắn là mẹ chỉ bị u lành, u mạch máu trong gan, nhưng khá lớn, phải theo dõi định kỳ, mẹ bình tâm lại, an ủi con “mẹ sẽ sống hoài với con mà !”. Con lấy số 100 trừ đi tuổi mẹ để tính xem mẹ còn sống được bao nhiêu năm rồi nói “phải chi mẹ chỉ 30 tuổi thôi, như mẹ của các bạn con”. Vậy là, tuy mới ngần ấy tuổi đầu, con vẫn hiểu rằng khi mẹ càng nhiều tuổi thì thời gian mẹ sống cùng con không thể dài hơn, như mong muốn của con được giống như các bạn.

Suy nghĩ ấy của con làm mẹ thật sự giật mình. Mẹ đúng hay sai khi quyết định có con lúc đã nhiều tuổi rồi ? Phải chăng quyết định ấy chỉ là vì mẹ, chỉ là vì sự ích kỷ của mẹ, bởi mẹ khao khát mình có được cái cảm giác hạnh phúc có đứa con của mình. Có bao nhiêu trường hợp người mẹ lớn tuổi đã sinh con bị down, bị chậm phát triển hoặc những khuyết tật khác. May mắn thay con ra đời lành lặn, khoẻ mạnh, thông minh. Nhưng con vẫn phải đối diện với nỗi lo sợ mẹ sẽ rời con ra đi khi con chưa đến tuổi trưởng thành.

 

Mẹ và con, Thảo Nguyên ơi, chúng mình đã sống cùng nhau những ngày hạnh phúc, thật sự là quãng đời hạnh phúc nhất của mẹ. Những vất vả của ngày làm lụng cực nhọc căng thẳng đến đâu cũng đều tan biến đi bên ngoài cánh cửa căn nhà của gia đình mình, khi mẹ về cùng với con ngồi ở sau lưng mẹ, huyên thuyên kể chuyện trong lớp học ; khi đêm về mẹ ôm con ngủ, mà trước khi đi vào giấc ngủ con thỏ thẻ đủ điều, tâm sự với mẹ đủ chuyện, chuyện của con, chuyện của bạn bè.

Có phải vì vậy mà mẹ cười thích chí khi nghe ai đó khen mẹ trông còn trẻ nhiều so với tuổi, mẹ nói đùa “Vậy hả ? chắc tại vì tôi có con còn bé quá cho nên tôi phải trẻ”.

Cho nên vì vậy mà, Thảo Nguyên ơi, hãy yên tâm là, khi mẹ và con sống cùng nhau hạnh phúc đến như thế, rất có thể “mẹ sẽ sống hoài với con mà !”, như mơ ước của con mà khi nghe con nói, mẹ đã cười, nụ cười nhoà lệ.

 

Ngày 30 tháng 9 năm 2007
--> Read more..